Triệu Lan Thảo

Tranh chấp về quyền sử dụng đất giải quyết như thế nào? Hành vi chặt cây trên đất của người khác có bị truy cứu trách nhiệm hình

Tranh chấp đất đai là gì? Cách thức giải quyết tranh chấp như thế nào? Hành vi phá hoại phần đất của người khác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất qua tình huống sau đây:

1. Luật sư tư vấn Luật Đất đai

Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Thực tế hiện nay cho thấy tranh chấp đất đai xảy ra ngày càng phổ biến, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Một trong những tranh chấp diễn ra phổ biến phải kể đến tranh chấp về việc ai là người có quyền sử dụng đất. Do đó, anh/chị nên tìm hiểu các quy định về vấn đề này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Để tìm hiểu về vấn đề này, anh/chị có thể tham khảo Luật Đất đai 2013 và các văn bản pháp luật liên quan hoặc liên hệ với Luật Minh Gia chúng tôi để được tư vấn cụ thể. Ngoài ra anh/chị có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để vận dụng linh hoạt vào trường hợp của mình.

2. Tư vấn giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất

Câu hỏi tư vấn: Xin hỏi luật sư là nhà tôi có 1 khu rừng trên ruộng nhà tôi rộng khoảng hơn 1 ha và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bây giờ có 3 nhà đến chiếm và chặt hết cây mỡ mà nhà tôi đã trồng đi họ nói là đất ngày xưa họ làm trước là của họ nên họ cứ lấy nên nhà tôi đã làm đơn kiện lên chính quyền xã đã được 1 năm rồi nhưng chính quyền xã làm ngơ vậy bây giờ tôi phải làm gì để bảo vệ được mảnh đất của tôi mà nhà nước đã giao cho tôi ạ 1 năm trước họ cũng đến cướp nhưng lúc đó chính quyền xã đã giải quyết được cho tôi là mảnh đất là của nhà tôi rồi nhưng đên mấy hôm nay 3 nhà đó lại đến chặt cây nhà tôi đi tôi xuống xã báo và sẽ kiện nhưng chủ tịch ủy ban làm ngơ bây giờ tôi không biết làm thế nào tôi xin hỏi là tôi nên làm thế nào ạ xin cảm ơn.

Nội dung tư vấn: Chào anh/chị, cảm ơn anh/chị đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của anh/chị, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về giải quyết tranh chấp đất đai

Căn cứ thông tin anh/chị cung cấp, mảnh đất của gia đình anh/chị đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, hiện tại có 3 gia đình hàng xóm đến phá hoại phần đất và tài sản trên đất của gia đình anh/chị và nói rằng đó là phần đất của gia đình họ. Để xác định ai là người có quyền sử dụng đất, trước tiên anh/chị phải thực hiện thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013:

“Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

…”

Trường hợp tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

“Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

…”

Như vậy, nếu gia đình anh/chị đã làm thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã nhưng không thành thì gia đình anh/chị có quyền gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để yêu cầu giải quyết tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất.

Thứ hai, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015:

“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

...”

Theo đó, nếu 3 gia đình hàng xóm không chứng minh được phần đất đó là của họ nhưng có hành vi phá hoại phần đất và tài sản trên đất của gia đình anh/chị thì gia đình anh/chị có quyền yêu cầu gia đình hàng xóm bồi thường thiệt hại theo căn cứ nêu trên. Cách xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015:

“Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

4. Thiệt hại khác do luật quy định.”

Thứ ba, về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như sau:

Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

…”

Đối chiếu với thông tin anh/chị cung cấp, 3 gia đình hàng xóm có hành vi phá hoại phần đất của gia đình anh/chị trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp như: đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là di vật, cổ vật thì có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Tuy nhiên, để khẳng định 3 gia đình hàng xóm có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản hay không thì phải dựa vào kết qủa của cơ quan điều tra. Do đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, anh/chị có thể trình báo hành vi vi phạm đến cơ quan điều tra – công an cấp quận/huyện nơi anh/chị hoặc gia đình hàng xóm cư trú về hành vi vi phạm pháp luật để điều tra, xác minh hành vi phạm tội.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh/chị yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác anh/chị vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo