Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tranh chấp tài sản chung vợ chồng giải quyết thế nào?

Về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi dựa theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Khi phân chia tài sản chung, vợ chồng có thể tự thỏa thuận hoặc nhờ Tòa án giải quyết nếu không tự thỏa thuận được. Tức là nếu một bên vợ hoặc chồng muốn nhiều hơn một nửa số tài sản chung mà không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Cùng với yêu cầu, người muốn lấy được phần hơn phải có căn cứ chứng minh yêu cầu của mình là hợp pháp.

1. Giải quyết tranh chấp về phân chia tài sản vợ chồng như thế nào?

Câu hỏi:

Chào luật sư, Luật sư cho e hỏi, vợ chồng em sau khi kết hôn  làm ăn dư được 8 cây vàng, nhưng thời gian gần đây vợ em ngoại tình làm cuộc sống gia đình náo loạn, bây giờ em muốn ly hôn..nhưng khi ly hôn ra tòa thì tòa sẻ chia đôi số vàng đó cho mỗi bên, bây giờ em muốn chiếm đoạt hơn 1 nửa số vàng đó thì phải làm sao để vợ em không có lý do để nói...số vàng đó hiện giờ em đang giữ.... Em xin cảm ơn.

Trả lời: Công ty Luật Minh Gia xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Theo quy định tại Điều 33 của Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 về Tài sản chung của vợ chồng như sau:

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Trong trường hợp của Anh thì số tài sản là 08 cây vàng là tài sản chung của vợ chồng anh. Và đối với tài sản chung thì việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung được quy định theo điều Điều 35 của Luật Hôn nhân gia đình 2014 về Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung như sau:

1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

Như vậy, về quyền sử dụng, định đoạt số vàng trên của vợ chồng anh là như nhau.. Khi Anh và vợ ly hôn thì số tài sản đó sẽ được chia theo nguyên tắc được quy định tại điều 59 Luật HNGĐ năm 2014 về Nguyên tắc chia tài sản chung khi ly hôn như sau:

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

Trong trường hợp của anh, anh cũng thừa nhận 8 cây vàng là tài sản chung của vợ chồng, anh cũng xác định là khi ly hôn số tài sản đó sẽ bị chia. Tuy nhiên, nếu anh ko đồng ý với việc chia đôi số vàng đó thì anh buộc phải chứng minh về việc đóng góp công sức của anh vào sự hình thành khối tài sản này. Nếu anh chứng minh được việc hình thành khối tài sản này phần lớn là do anh làm lụng và tích cóp, vợ anh không có sự đóng góp đáng kể vào việc hình thành nên số vàng đó thì tùy vào những chứng cứ và tình tiết anh đưa ra với Tòa, Tòa án sẽ quyết định chia số tài sản đó ra sao. Trường hợp anh không chứng minh được thì số tài sản đó sẽ chia đôi.

2. Nghĩa vụ chứng minh trong việc chia tài sản chung quy định thế nào?

Câu hỏi tư vấn: Chào luật sư, cho tôi hỏi: Đối với việc chia tài sản chung, đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất có buộc đương sự cung cấp biên bản giao ranh giới đất không? Bị đơn không có yêu cầu phản tố thì có phải có nghĩa vụ chứng minh không?

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và đặt câu hỏi tới Luật Minh Gia. Sau khi nghiên cứu trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau: 

Không phải trong mọi trường hợp khi giải quyết việc chia tài sản chung, đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất đều buộc đương sự cung cấp biên bản giao ranh giới đất. Khi biên bản đó có ý nghĩa chứng minh để giải quyết vụ án thì nó mới là chứng cứ và cần thiết phải xuất trình.

Ví dụ: đương sự cho rằng mình bị lấn đất thì biên bản giao ranh giới đất là chứng cứ của vụ án; nhưng trong vụ án khác, tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà, nguyên đơn chỉ yêu cầu hủy hợp đồng do bị đơn đã vi phạm hợp đồng về thời gian trả tiền thì biên bản giao ranh giới đất không phải là chứng cứ của vụ án. Không phải chỉ có nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh, cũng không phải chỉ có bị đơn có yêu cầu phản tố mới có nghĩa vụ chưng minh.

Theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì:

"1. Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

b) Đương sự là người lao động trong vụ án lao động mà không cung cấp, giao nộp được cho Tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án.
Người lao động khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người sử dụng lao động;

c) Các trường hợp pháp luật có quy định khác về nghĩa vụ chứng minh.

2. Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó...."

Như vậy, nguyên đơn hay bị đơn đều có nghĩa vụ chứng minh. Nói “yêu cầu” hay “phản đối yêu cầu” là nói chung, nói cụ thể là ai nêu ra tình tiết, sự kiện pháp lý thì người đó có nghĩa vụ chứng minh cho tình tiết, sự kiện mình đã nêu ra là có căn cứ.

Cũng phải lưu ý đến quy định những tình tiết, sự kiên không phải chứng minh được quy định ở Điều 92 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 như “2. Một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản, kết luận của cơ quan chuyên môn mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó không phải chứng minh.” để xác định nghĩa vụ chứng minh một chách chính xác.

Ví dụ: Nguyên đơn A kiện đòi bị đơn B trả khoản nợ vay 100 triệu đồng. Bị đơn B khai nhận có vay nhưng đã trả rồi. Trong trường hợp này, bị đơn B có nghĩa 36 vụ chứng minh sự kiện “đã trả rồi”, nguyên đơn A không phải chứng minh sự kiên “cho vay” vì bị đơn B đã thừa nhận; Tòa án không thể buộc nguyên dơn A phải xuất trình giấy vay tiền, sổ sách hay chứng cứ gì khác chứng minh việc cho vay nữa.

3. Tư vấn giải quyết một số tranh chấp tài sản khi ly hôn

Câu hỏi: Tôi muốn ly hôn nhưng tài sản chung là ngôi nhà vợ chồng làm trên đất mang trích lục tên mẹ chồng đã mất, vậy xin hỏi luật sư tôi sẽ được chia thế nào và làm cách nào để thuận lợi cho người vợ vì ngôi nhà đó tiền bạc do người vợ làm ra ạ? Xin cảm ơn

Trả lời: Chào bạn, đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi đã tư vấn trường hợp tương tự sau đây:

>> Nhà là tài sản chung của hai vợ chồng được xây dựng trên đất của bố mẹ chồng khi ly hôn xử lí như thế nào?

Bạn tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình!

4. Xác định tài sản chung của vợ, chồng như thế nào?

Câu hỏi: Cho tôi hỏi, ba tôi muốn ly hôn để lấy tài sản của mẹ tôi ăn nhậu. Nhưng tài sản bao gồm 1 nhà cấp 4 và 1 lô đất là do mẹ tôi  bỏ tiền ra mua và đứng tên, nhưng lại trong thời điểm  kỳ hôn nhân, có bị xem là tài sản chung k? Vì ba tôi ăn nhậu mấy chục năm, k làm gì, mẹ tôi nuôi. Mẹ tôi là giáo viên có xác minh thu nhập hàng tháng được. Làm sao để ba tôi k lấy được  tài sản sau khi ly hôn với mục đích xấu. Vì mẹ muốn để lại lô đất cho tôi làm tài sản riêng. Nhưng ba tôi k chấp nhận vì muốn biển thủ riêng tài sản sau khi chia đôi để ăn nhậu. Vì ba tôi k làm ra tiền. Như thế nào mới lấy được  công bằng cho tài sản mẹ tôi vất vả kiếm được  mấy chục năm qua.

Trả lời: Chào bạn, trường hợp bạn hỏi chúng tôi đã tư vấn như sau:

Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Tài sản chung của vợ chồng

"Điều 33 ... như trích dẫn tại câu hỏi số (1)"

Theo đó, tài sản được tạo ra do thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh của vợ, chồng trong thời kì hôn nhân sẽ là tài sản chung trừ trường hợp được tặng cho riêng, thừa kế riêng, hoặc tài sản được hình thành do các giao dịch từ tài sản riêng. 

Như vậy, ngôi nhà và lô đất là tài sản được hình thành và duy trì bằng thu nhập của người mẹ  tạo ra trong thời kì hôn nhân nên nó được coi là tài sản chung của hai vợ chồng (trừ trường hợp được tặng, cho thừa kế riêng hoặc người mẹ mua bằng tiền có trước thời kì hôn nhân). Nếu khi ly hôn người chồng có quyền yêu cầu chia tài sản chung đó. Theo nguyên tắc, nếu hai bên thỏa thuận được, tòa án sẽ chia đôi và có xem xét tới công sức đóng góp, duy trì khối tài sản chung của từng bên đường sự, yếu tố lỗi của các bên( hành vi bạo lực gia đình, phá tán tài sản).Nếu người mẹ đưa ra được giấy tờ chứng minh công sức đóng góp phần lớn vào việc mua ngôi nhà và lô đất đó thì tòa án sẽ xem xét chia tài sản chung theo 1 tỉ lệ khác để đảm bảo quyền lợi của người mẹ.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo