Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Trách nhiệm liên đới trả nợ chung sau ly hôn

Trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng không chỉ làm phát sinh tài sản chung mà còn làm phát sinh những khoản nợ chung và các nghĩa vụ tài sản chung khác. Tuy nhiên, không phải trong bất cứ trường hợp nào cũng xác định là nợ chung nếu khoản nợ này phát sinh trong thời kỳ hôn nhân. Việc xác định là nợ chung của vợ chồng hay nợ riêng được Luật Hôn nhân và Gia đình quy định tại chế đình tài sản trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng. Dưới đây là một số nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề "Trách nhiệm liên đới trả nợ chung sau ly hôn" thông qua tình huống cụ thể trên thực tế.

Câu hỏi: Luật sư cho hỏi về Trách nhiệm liên đới trả nợ của vợ chồng sau ly hôn như sau: Trước khi ly hôn cả hai vợ chồng có ký xác nhận giấy tay vay số tiền 250.000.000 đồng. Nhưng sau khi ly hôn, trong đơn ly hôn có thỏa thuận về khoản nợ chung là "không". Như vậy số nợ chung đó được giải quyết như thế nào? (Chủ nợ là em ruột của vợ).

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng:

“Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;…”

Theo thông tin bạn cung cấp thì khoản vay do hai vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập mà không có căn cứ cho rằng giao dịch đó vô hiệu thì đây được xác định là nghĩa vụ chung của vợ và chồng, kể cả khi ly hôn và hai bên viết trong đơn ly hôn là không có nghĩa vụ chung thì vợ và chồng vẫn có nghĩa vụ trả.

Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng:

“1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.

2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.”

Và tại Điều 288 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ liên đới:

“1. Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

2. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.

3. Trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ.

4. Trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ.”

Nghĩa vụ trả tiền vay khi hai vợ chồng cùng xác lập giao dịch là nghĩa vụ liên đới. Người cho vay tiền có thể yêu cầu bất kì người vợ hay người chồng trả số tiền này cho mình. Sau khi trả xong số tiền thì người đã trả tiền có thể yêu cầu người còn lại cũng phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới mà người đó đã thực hiện thay.

- Tư vấn về phân chia tài sản khi ly hôn, trách nhiệm liên đới của vợ chồng với khoản vay chung

Hỏi: Vợ chồnng em có mua 1 căn hộ trả góp với số tiền ban đầu 912.000.000, nhà nước cho vay 720.000.000 với lãi xuất 5%/năm, gia đình cho mượn 120.000.000 vợ chồng em 72.000.0000 và 1 chiếc xe tay ga. Từ tháng 9/2014 cho đến nay chỉ có mỗi mình em trả nợ vay. Tháng 3 năm 2015 anh ngưng mợ tiệm tóc, từ đó đến nay anh không phụ em 1 đồng nào.

Nếu em in sao kê của ngân hàng về những khoản em mượn của người khác chuyển tiền qua cho em để trả nợ vay vì những khoản giao dịch nộp tiền qua tài khoản không mang tên cá nhân em nộp mà cá nhân khác chuyển qua. Vậy khi ra tòa chanh chấp, những khoản này em có được kê ra để trả nợ không? Còn khoản nợ mượn gia đình 120.000.0000 để mua nhà có tính vào không? Vd : định giá ngôi nhà là 1 tỷ em trừ các khoản trả nợ vay + trả gia đình 120.000.0000 phần còn lại sẻ chia ra làm 2 đúng không? Tụi em có 1 bé 2 tuổi, vậy tài sản sau ly hôn sẻ được chi cho bé như thế nào? Nếu bây giờ phần tài sản của chồng em trên danh nghĩa là cho con, trong khi đó con em còn nhỏ vậy phải làm sao? Thủ tục như thế nào? Ai biết được trong vòng 10 năm sau em đè đầu trả nợ đã trời đất, ông quay về đòi chia cài nhà với em thì làm sao? Nếu trong trường hợp, tòa xử chồng em phải cấp dưỡng con con em? Mà anh không chịu cấp dưỡng thì sao? Vì quyền lợi con em , Em có được khởi kiện không? Và hướng xử lý cho việc này như thế nào?

Tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

1. Trách nhiệm trả nợ vay của vợ, chồng.

Căn cứ theo Điều 27 luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng Và Điều 37 luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng: (đã được trích dẫn tại phần trên).

Căn cứ vào quy định pháp luật trên thì vợ chồng có trách nhiệm liên đới đối với các khoản vay nợ do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập hoặc một mình bạn thực hiện nhưng nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình. Do đó, khoản tiền vay để mua nhà do vợ chồng bạn cùng thực hiện hoặc do bạn thực hiện một mình sẽ được xác định là nợ chung của vợ chồng, hai người phải có trách nhiệm liên đới đối với khoản vay trên. 

Theo thông tin bạn cung cấp: “Nếu em in sao kê của ngân hàng về những khoản em mượn của người khác chuyển tiền qua cho em để trả nợ vay vì những khoản giao dịch nộp tiền qua tài khoản không mang tên cá nhân em nộp mà cá nhân khác chuyển qua.”

Khoản vay do một mình bạn thực hiện nhưng lại mang tên người khác do đó, để xác định là khoản vay chung thì bạn phải có chứng cứ chứng minh về việc bạn nhờ, ủy quyền cho người này thực hiện các giao dịch qua ngân hàng để làm căn cứ chứng minh việc vay dùng vào mục đích chung “trả nợ chung”.

2. Chia tài sản chung là quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất khi ly hôn.

Căn cứ theo Điều 33 luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.”

Như vậy, những tài sản được hình thành trong thời kì hôn nhân bao gồm: tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Khi ly hôn vợ chồng có quyền thỏa thuận về phân chia tài sản chung, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án phân chia. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.

Khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi nhưng căn cứ theo khoản 2 Điều 58 luật hôn nhân gia đình 2014 có tính đến các yếu tố sau:

- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

-  Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

-  Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Và tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, tức là không phải chia cho các con. Nhưng nếu bố mẹ bạn thỏa thuận sẽ cho toàn bộ hoặc một phần tài sản cho con. Và việc tặng cho tài sản này phải lập thành hợp đồng tặng cho có công chứng tai văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã theo quy định pháp luât, thì con bạn sẽ có quyền sở hữu phần tài sản được tặng cho đó.

Hay trong trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình mà tại thời điểm cấp giấy chứng nhận, hai bạn có tên trong sổ hộ khẩu thì sẽ có quyền sở hữu ngang với bố mẹ bạn và khi bố mẹ ly hôn thì hai bạn mới được xem xét giải quyết để chia tài sản. Nếu tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đứng tên của vợ hoặc chồng hoặc hai vợ chồng thì con gái bạn sẽ không được chia tài sản khi bố mẹ ly hôn.

3. Quyền yêu cầu cấp dưỡng

Căn cứ theo Điều 82 luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”

Do đó, nếu chồng bạn không trực tiếp nuôi con thì phải thực hiện cấp dưỡng cho con đến khi con thành niên. Mức cấp dưỡng cho con sẽ do vợ chồng thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án quyết định. Tòa án căn cứ vào quyền và lợi ích hợp pháp của cháu và phù hợp với mức thu nhập, điều kiện sống của người cấp dưỡng để quyết định mức cấp dưỡng phù hợp. 

Khi có quyết định, bản án của Tòa án về cấp dưỡng: mức cấp dưỡng, thời gian cấp dưỡng, … thì người cấp dưỡng phải thực hiện theo đúng bản án. Nếu người cấp dưỡng không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thì bạn (là người trực tiếp nuôi dưỡng cháu) có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án nơi người đó cư trú giải quyết. Cơ quan thi hành án sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành án: khấu trừ tiền lương, tài sản của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Trách nhiệm liên đới trả nợ chung sau ly hôn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn hôn nhân gia đình trực tuyến để được giải đáp.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo