Cao Thị Hiền

Tính lương hưu khi chuyển sang đóng BHXH tự nguyện thế nào?

Trường hợp người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội chuyển sang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mức lương bình quân để tính lương hưu được tính như thế nào? Mức hưởng là bao nhiêu? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề này như sau:

1. Quy định của pháp luật về tính lương hưu khi chuyển sang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Chế độ hưu trí là một trong những chế độ của bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo một phần thu nhập của người lao động khi hết tuổi lao động. Để tính chế độ hưu trí, pháp luật bảo hiểm quy định cần phải dựa trên trung bình tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội và tổng số năm đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người lao động vẫn chưa xác định được cách tính các chế độ của bảo hiểm xã hội nói chung và chế độ hưu trí nói riêng.

Khoản 3 Điều 5 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:“3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.” Như vậy, người lao động khi tham gia bảo hiểm bắt buộc chuyển sang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được hưởng chế độ hưu trí dựa trên cơ sở tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Khoản 3 Điều 5 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định về mức lương hàng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng nhân với mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội, cách tính lương hưu cụ thể như sau:

Lương hưu hàng tháng =  Tỷ lệ % lương hưu x mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Trong đó:

Tỷ lệ % hưởng lương hưu:

  • Đối với nam:

+ Đóng đủ 20 năm BHXH thì được 45%, sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%, tỷ lệ % hưởng lương hưu hàng tháng tối đa là 75%.

  • Đối với nữ:

+ Đóng đủ 15 năm BHXH thì được 45%, sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%, tỷ lệ % hưởng lương hưu hàng tháng tối đa là 75%.

Mức bình quân tiền lương và thu nhập hàng tháng đóng BHXH để tính lương hưu được tính theo công thức sau:

Khoản 4 Điều 5 Nghị định 134/2015/NĐ-CP: Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH để tính lương hưu như sau:

Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH = [(Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc) x (Tổng số tháng đóng BHXH bắt buộc)] + (Tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện) / [(Tổng số tháng đóng BHXH bắt buộc + Tổng số tháng đóng BHXH tự nguyện)].

Trong đó:

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc được thực hiện theo quy định tại Điều 62 và Điều 63 của Luật bảo hiểm xã hội 2014.

Tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện là tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện đã được điều chỉnh theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 4 Nghị định 134/2015/NĐ-CP.

2. Tư vấn về vấn đề mức lương bình quân để tính lương hưu khi chuyển sang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Xin chào Luật sư. Tôi sinh ngày xx tháng 0x năm 1966, theo luật bảo hiểm thì đến năm 2028 thì tôi đủ tuổi nghỉ hưu. Tôi đã đóng bảo hiểm bắt buộc 40 năm. Theo quy chế BHXH hiện nay thì tôi còn 7 năm nữa mới đủ tuổi nghỉ hưu. Tôi đi làm từ năm 1980 và đóng bảo hiểm liên tục từ đó tới nay. Như vậy Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được tính theo diện đóng bảo hiểm trước ngày 01 tháng 01 năm 1995. Mức lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của tôi năm năm trở lại đây là: 5.432.000 nghìn (Năm triệu bốn trăm ba mươi hai nghìn). Nếu tôi chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện cho 7 năm còn lại với mức lương đóng tự chọn cao hơn mức đóng bắt buộc thì khi nghỉ hưu ở độ tuổi 62 thì mức lương bình quân để tính lương hưu sẽ là bao nhiêu? (Giả thứ mức lương đóng bảo hiểm xã hội tự chọn theo mức thu nhập trên một tháng là: 20 triệu đồng) hoặc số tiền đóng bảo hiểm trên một tháng là 4.400.000 nghìn. Xin Luật sư tư vấn cho tôi biết. Xin chân thành cám ơn Luật sư.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với nội dung bạn yêu cầu tư vấn, chúng tôi trả lời như sau:

Khoản 4 Điều 5 Nghị định 134/2015/NĐ-CP: Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH để tính lương hưu như sau:

Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH = [(Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc) x (Tổng số tháng đóng BHXH bắt buộc)] + (Tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện) / (Tổng số tháng đóng BHXH bắt buộc + Tổng số tháng đóng BHXH tự nguyện)].”

Trong đó:

Theo thông tin bạn cung cấp, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được tính theo diện đóng bảo hiểm trước ngày 01 tháng 01 năm 1995. Mức lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của bạn năm năm trở lại đây là: 5.432.000 nghìn (Năm triệu bốn trăm ba mươi hai nghìn). Như vậy, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính như sau:

Mbqtl = Tổng số tiền lương tháng BHXH của 5 năm (60 tháng) cuối trước khi nghỉ việc/60 = (5.432.000 x 60) / 60 = 5.432.000 VNĐ.

Nếu bạn chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện cho 7 năm còn lại với mức lương đóng tự chọn cao hơn mức đóng bắt buộc thì khi nghỉ hưu ở độ tuổi 62 thì mức lương bình quân để tính lương hưu sẽ là bao nhiêu. Giả sử mức lương đóng bảo hiểm xã hội tự chọn theo mức thu nhập trên một tháng là: 20 triệu đồng hoặc số tiền đóng bảo hiểm trên một tháng là 4.400.000 nghìn. Như vậy, Tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện được tính như sau = 4.400.000 x 84 = 369.600.000 VNĐ.

  • Mức bình quân tiền lương để tính lương khi bạn nghỉ hưu ở độ tuổi 62 là:

Mbqtl = [(5.432.000 x 480) + 369.600.000] / (480+84) = 5.278.298 VNĐ.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169