Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tiền lương của người lao động trong cơ quan nhà nước quy định thế nào?

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Kính chào quý anh ( chị ) luật sư. Tôi xin phép được hỏi về vấn đề sử dụng lao động và thanh toán lương của UBND Quận đối với người lao động.Thưa quý anh ( chị ). UBND Quận ký hợp đồng lao động với nhân viên làm nuôi dưỡng trong các trường học thuộc UBND quận như sau - Ký HĐLĐ 10 đến 11 tháng /1 lần ( cứ như vậy cho dù họ đã làm việc từ thời điểm ký đến nay khoảng 6 đến 7 năm )

Và từ thời điểm ký đến bây giờ mức lương của người lao động chỉ ở bậc 1 hệ số 1.65 ( đối với LĐHĐ có trình độ sơ cấp nấu ăn ) và 1.86 với LĐHĐ có trình độ trung cấp nấu ăn.Tôi xin hỏi quý luật sư là UBND Quận HBT  làm như vậy có vi phạm điều luật gì trong vấn đề lao động và tiền  lương hay không ?

 

Trả lời tư vấn:

 

Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:
 
Như thông tin a/c cung cấp, UBND quận X là một cơ quan hành chính nhà nước ký kết hợp đồng lao động với người lao động. Do đó, đây được xác định là quan hệ lao động thuộc sự điều chỉnh của Bộ luật lao động 2012.
 
Thứ nhất, về loại hợp đồng lao động


Điều 22. Loại hợp đồng lao động - BLLĐ 2012 quy định:

 

"1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn;

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

3. Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác."

 

Căn cứ theo quy định trên, việc các bên ký hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12 tháng với loại công việc có tính chất thường xuyên và ký kết nhiều lần là hành vi giao kết sai loại hợp đồng lao động.

 

Thứ hai, về mức tiền lương

 

Điều 90. Tiền lương

 

"1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.

Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

2. Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc.

3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau."

 

Căn cứ theo quy định trên, mức lương do các bên tự thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Hiện nay Cơ quan a/c đang áp dụng hệ số lương theo bảng lương ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP để áp dụng cho người lao động làm việc theo Hợp đồng lao động. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 2 của Nghị định này về đối tượng điều chỉnh, thì đối tượng là người lao động làm việc theo HĐLĐ không thuộc đối tượng điều chỉnh của NĐ 204/2004/NĐ-CP. Do đó, không có cơ sở để áp dụng hệ số lương như cách Cơ quan a/c đang thực hiện.

 

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp khi sử dụng lao động theo HĐLĐ đều áp dụng tương tự bảng lương của Nghị định 204/2004/NĐ-CP nhưng không có chế tài cho sự áp dụng không phù hợp này. Do đó, a/c có thể đề nghị người đứng đầu Cơ quan/đơn vị giải quyết quyền lợi của người lao động đúng với quy định trên.


Anh/chị tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình! Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169