Nguyễn Nhàn

Thực phẩm chức năng là gì? Kinh doanh TPCN cần điều kiện gì?

Thực phẩm chức năng là một trong những sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người được kinh doanh phổ biến trên thực tế. Tuy nhiên không phải ai cũng đủ điều kiện để kinh doanh được sản phẩm này. Vậy, kinh doanh thực phẩm chức năng cần những điều kiện gì?

1. Khái niệm thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng thường có những tên gọi khác là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm thuốc. Thực phẩm chức năng, được dùng để hỗ trợ chức năng cho nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể. Sử dụng các loại thực phẩm bổ sung có chức năng khác nhau sẽ có công dụng khác nhau nhằm mang đến sức khỏe tốt như tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ trong quá trình điều trị một số bệnh, phòng ngừa một số bệnh và còn có tác dụng làm đẹp. Chính vì những hiệu quả tốt mà nó mang lại như vậy nên các doanh nghiệp công ty kinh doanh loại hình này ngày càng nhiều hơn. Thắc mắc đặt ra là để kinh doanh loại hình này thì các doanh nghiệp công ty cần đáp ứng những yêu cầu gì. Để trả lời câu hỏi trên chúng tôi xin đưa ra bài viết này mong giúp giải quyết được một phần thắc mắc của bạn đọc.

2. Điều kiện kinh doanh thực phẩm thực phẩm chức năng

Thứ nhất, điều kiện về ngành nghề

Để được kinh doanh thực phẩm chức năng, trước tiên người kinh doanh cần thành lập công ty hoặc hộ kinh doanh theo quy định. Cụ thể việc thành lập các loại hình công ty phải tuân thủ theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020, việc thành lập hộ kinh doanh được quy định cụ thể trong Nghị định 01/2021/NĐ-CP hướng dẫn luật doanh nghiệp.

Trong trường hợp doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã thành lập nhưng chưa đăng ký ngành nghề liên quan đến đến kinh doanh thực phẩm chức năng thì cần thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh trong hệ thống mã ngành. Sau khi đã bổ sung được nghành nghề thì mới được quyền kinh doanh theo quy định.

Thứ hai, điều kiện về giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm

- Đối với cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng: Cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng cần phải có giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm, để được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất thực phẩm cần tuân thủ theo quy định tại Điều 28, Nghị định 15/2018/NĐ-CP.

- Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng: Tại Điều 11 Nghị định 15/2018/NĐ-CP có quy định: “1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định này.”

Ngoài ra, tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 155/2018/NĐ-CP có quy định về việc bãi bỏ quy định về cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng…

Tại Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP có quy định như sau:

1. Các cơ sở sau đây không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:

a) Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;

b) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;

c) Sơ chế nhỏ lẻ;

d) Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;

đ) Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;

…”

Theo quy định tại Khoản 27 Điều 2 Luật an toàn thực phẩm 2010 thì thực phẩm chức năng được xem xét là một dạng thực phẩm bao gói sẵn.

Theo các quy định trích dẫn trên thì khi kinh doanh thực phẩm chức năng, đơn vị kinh doanh không cần phải xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Thứ ba, điều kiện về công bố sản phẩm

* Yêu cầu về công bố sản phẩm:

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì khi kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ súc khỏe, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải đăng ký bản công bố sản phẩm. Tùy từng trường hợp mà việc công bố có thể thực hiện khác nhau, cụ thể:

- Thực phẩm chức năng nhập khẩu và sản xuất trong nước đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy tại Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

- Thực phẩm chức năng nhập khẩu và sản xuất trong nước chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Ngoài ra, thực phẩm chức năng khi công bố cần đáp ứng được một số yêu cầu sau:

+ Yêu cầu về báo cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng theo quy định tại Điều 4 Thông tư 43/2014/TT-BYT;

+ Yêu cầu về kiểm nghiệm theo quy định tại Điều 5 Thông tư 43/2014/TT-BYT;

+ Yêu cầu về ghi nhãn thực phẩm chức năng theo quy định tại Điều 6 Thông tư 43/2014/TT-BYT.

* Về hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm bao gồm:

+ Hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với sản phẩm nhập khẩu bao gồm: - Bản công bố sản phẩm (theo mẫu);

- Giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc Giấy chứng nhận xuất khẩu hoặc Giấy chứng nhận y tế của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ/xuất khẩu cấp có nội dung bảo đảm an toàn cho người sử dụng hoặc được bán tự do tại thị trường của nước sản xuất/xuất khẩu, các giấy tờ này cần được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định;

- Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ;

- Bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);

- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) hoặc chứng nhận tương đương trong trường hợp sản phẩm nhập khẩu là thực phẩm bảo vệ sức khỏe áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 (bản có xác nhận của tổ chức, cá nhân).

+ Hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với sản phẩm sản xuất trong nước bao gồm:

- Bản công bố sản phẩm (theo mẫu);

- Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ;

- Bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);

- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong trường hợp cơ sở thuộc đối tượng phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);

- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) trong trường hợp sản phẩm sản xuất trong nước là thực phẩm bảo vệ sức khỏe áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân).

Trên đây là những nội dung cơ bản liên quan đến việc kinh doanh thực phẩm chức năng, vấn đề kinh doanh thực phẩm chức năng là vấn đề tương đối phức tạp, nhiều quy định, trong phạm vi bài viết này chúng tôi không thể nêu chi tiết toàn bộ vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng. Nếu quý khách hàng có vướng mắc liên quan đến hoạt động kinh doanh, sản xuất thực phẩm chức năng, quý khách có thể liên hệ trực tiếp với Luật Minh Gia để chúng tôi hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Bài viết nổi bật
Liên hệ tư vấn
Chat zalo