Luật sư Dương Châm

FTA là gì theo quy định pháp luật?

FTA là một thuật ngữ xuất hiện nhiều trên các diễn đàn, phương tiện truyền thông về thương mại giữa các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ FTA là gì và chúng có nội dung như thế nào? Để giải đáp những thắc mắc trên, Luật Minh Gia sẽ cung cấp những kiến thức liên quan về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.

1. FTA là gì?

FTA là từ viết tắt của Free Trade Agreement, tức Hiệp định thương mại tự do là hiệp định hợp tác kinh tế được ký kết giữa hai hay nhiều quốc gia nhằm loại bỏ các rào cản về thương mại để thúc đẩy trao đổi, hoạt động  thương mại với nhau. Từ đó hình thành từng bước một thị trường kinh tế thống nhất về hàng hóa và dịch vụ. Các rào cản thương mại có thể ở dưới dạng thuế quan như thuế nhập khẩu hoặc ở dưới dạng phi thuế quan như tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ,...

Hiện nay có nhiều thuật ngữ khác được sử dụng như Hiệp định đối tác kinh tế (Economic Partnership Agreement) hay Hiệp định thương mại khu vực (Regional Trade Agreement)... nhưng nếu bản chất của chúng đều hướng tới tự do hóa thương mại , giảm bớt và xóa bỏ các rào cản thương mại, thúc đẩy hợp tác kinh tế thì vẫn được xem là các FTA.

Theo như thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WHO), các FTA được chia thành 4 nhóm chính:

  • FTA khu vực: Hiệp định thương mại tự do được ký kết giữa các nước trong cùng một khu vực, ví dụ như Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA).
  • FTA song phương: Hiệp định thương mại tự do được ký kết giữa hai quốc gia, ví dụ như Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA).
  • FTA đa phương: Hiệp định thương mại tự do được ký kết giữa nhiều quốc gia, đối tác với nhau, ví dụ như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
  • FTA được ký kết giữa một tổ chức với một quốc gia: Có thể hiểu đây là một bản giao kết giữa một tổ chức, liên minh với một quốc gia, ví dụ như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) hay Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA).

2. Cơ sở pháp lý của FTA

Cơ sở pháp lý cho phép các nước thành viên WTO ký kết các FTA về thương mại hàng hóa đã được quy định từ lâu trong Điều XXIV của Hiệp định thuế quan và thương mại 1994 (GATT).

Cụ thể, Điều XXIV.4 GATT ghi nhận việc thành lập các khu vực mậu dịch tự do (Free Trade Area) thông qua các FTA là nhằm mục tiêu tạo thuận lợi thương mại nhưng không được làm gia tăng rào cản cho các nước thành viên khác.

“... Các Bên cũng thừa nhận rằng việc lập ra một liên minh quan thuế hay một khu vực mậu dịch tự do phải nhằm mục tiêu là tạo thuận lợi cho thương mại giữa các lãnh thổ thành viên và không tạo thêm trở ngại cho thương mại của các thành viên khác với các lãnh thổ này.”

Điều V và Điều V.bis Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) cũng cho phép các quốc gia được ký kết các FTA với mục tiêu loại bỏ các rào cản đối với thương mại dịch vụ đi kèm cùng với một số điều kiện nhất định. Theo đó, Điều V GATS yêu cầu các quốc gia khi ký kết FTA phải cam kết gỡ bỏ rào cản thương mại với hầu hết các ngành dịch vụ chính đồng thời không được tạo ra rào cản cao hơn đối với các nước không phải là thành viên của FTA.

“1. Hiệp định này không ngăn cản bất kỳ Thành viên nào gia nhập hoặc ký kết một Hiệp định tự do hóa thương mại dịch vụ giữa hai hoặc nhiều Thành viên, với điều kiện là hiệp định đó:

(a) có phạm vi thuộc về lĩnh vực chủ yếu, và

(b) không quy định hoặc xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử giữa hai hoặc nhiều bên theo tinh thần của Điều XVII…

4. Bất kỳ hiệp định nào nêu tại khoản 1 sẽ được xây dựng nhằm tạo thuận lợi cho thương mại giữa các bên tham gia hiệp định và không tạo ra mức trở ngại chung cao hơn mức đã áp dụng trước khi các hiệp định đó được ký kết trong thương mại dịch vụ với bất kỳ thành viên nào không tham gia hiệp định, dù trong từng ngành hoặc phân ngành dịch vụ.”

Bên cạnh đó, GATS còn quy định thêm ưu đãi dành cho các quốc gia đang phát triển. Theo đó, nếu các nước đang phát triển ký kết FTA với nhau thì các điều kiện sẽ được áp dụng một cách linh hoạt.

3. Nội dung chính của FTA

Các FTA được các quốc gia ký kết với nhau tuy có tên gọi khác nhau nhưng nhìn chung, chúng vẫn hướng đến mục tiêu chung đó là tự do hóa thương mại. Chính vì vậy, nội dung trong các FTA chủ yếu xoay quanh những vấn đề chính sau:

  • Thứ nhất, quy định về việc cắt giảm và xóa bỏ dần các hàng rào thương mại cụ thể là hàng rào thuế quan và phi thuế quan, đây là một đặc trưng rõ thấy của các FTA.
  • Thứ hai, quy định danh mục các loại hàng hóa và dịch vụ đưa vào cắt giảm thuế quan. Danh mục này phụ thuộc vào kết quả đàm phán giữa các quốc gia. Không phải hoàn toàn các loại hàng hóa hay dịch vụ sẽ được các quốc gia cắt giảm thuế quan mà sẽ có những loại hàng hóa, dịch vụ không được cắt giảm thuế quan hoặc cắt giảm chậm hơn.
  • Thứ ba, quy định về thời gian cắt giảm thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu. Đối với vấn đề này, thời gian cắt giảm thuế quan phải được quy định rõ về khoảng thời gian áp dụng cũng như là lộ trình áp dụng như thế nào.
  • Thứ tư, quy định về quy tắc xuất xứ. Có thể nói đây là một vấn đề quan trọng và không thể thiếu trong các FTA. Mỗi loại hàng hóa, dịch vụ sẽ được cắt giảm thuế khác nhau và việc xác định nguồn gốc xuất xứ của chúng sẽ làm căn cứ để áp dụng mức độ cắt giảm thuế đó.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Bài viết nổi bật
Liên hệ tư vấn
Chat zalo