Lò Thị Loan

Thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc

Di chúc có nội dung chuyển quyền sử dụng đất có bắt buộc phải được công chứng, chứng thực? Quy định pháp luật hiện hành về thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trong trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất?

Câu hỏi: Chào luật sư, tôi có một số thắc mắc như sau: Cha chồng tôi trước khi mất có dể lại di chúc bằng văn bản viết tay có 2 người làm chứng nhưng không có công chứng, chứng thực, như vậy có được coi là hợp pháp hay không và tôi có thể đem tờ di chúc đó đến xã, phường để làm thủ tục thừa kế hay sang tên cho chồng tôi phần đất mà cha chồng tôi đã để lại cho chồng tôi thừa hưởng được không? Quy định pháp luật thế nào? Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

Thứ nhất, về hình thức của di chúc có định đoạt về quyền sử dụng đất. Căn cứ Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai năm 2013 quy định về việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất thì: "Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự."

Bộ luật dân sự năm 2005 không quy định di chúc có định đoạt về quyền sử dụng đất bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực mà chỉ quy định hình thức của di chúc: "Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng." Trường hợp này, di chúc của cha chồng bạn được lập bằng văn bản (bản viết tay) và có 2 người làm chứng là phù hợp với quy định pháp luật về hình thức di chúc. Để di chúc hợp pháp, ngoài điều kiện về hình thức còn phải thỏa mãn những điều kiện sau, theo Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2005:

"Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật."

Như vậy, để biết di chúc của cha chồng bạn có hợp pháp không thì bạn cần xem xét quy định này.

Thứ hai, về việc sang tên cho chồng bạn phần đất mà cha chồng bạn đã để lại cho chồng bạn thừa hưởng. (trong trường hợp di chúc hợp pháp)

Nếu di chúc trên hợp pháp thì có thể sang tên cho chồng bạn phần đất mà cha chồng bạn để lại cho chồng bạn thừa hưởng, cụ thể:

- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ:

Căn cứ Khoản 2 Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2013 thì:

"Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận là Văn phòng đăng ký đất đai. Nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Trường hợp đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã phải chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai."

Như vậy, chồng bạn có thể nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Hồ sơ sang tên bao gồm:

Căn cứ Khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính thì trong trường hợp xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồi với người thừa kế, hồ sơ gồm có:

"a) Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK;

b) Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (sau đây gọi là Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) đối với trường hợp đăng ký về quyền sử dụng đất;

c) Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng);

d) Báo cáo kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất đối với trường hợp tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 theo Mẫu số 08/ĐK;

đ) Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);

e) Đối với đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh thì ngoài giấy tờ quy định tại các Điểm a, b và d Khoản này phải có quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an về vị trí đóng quân hoặc địa điểm công trình; bản sao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh trên địa bàn các quân khu, trên địa bàn các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà có tên đơn vị đề nghị cấp Giấy chứng nhận;

g) Trường hợp có đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế."

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169