Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Thủ tục thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn

Luật sư tư vấn quy định về thủ tục thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình và tố tụng dân sự hiện hành. Nội dung hỏi và trả lời tư vấn cụ thể như sau:

1. Quy định về thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn?

Câu hỏi: Chào luật sư, cho tôi hỏi quy định về thủ tục yêu cầu thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn như sau: Tôi và vợ tôi kết hôn năm 2012. Từ khi kết hôn đến nay, năm 2014 đã có với nhau 1 đứa con trai, hiện tại vợ tôi là giáo viên mầm non, tôi là bộ đội phục viên. Hiện tại vợ tôi vẫn làm công việc mầm non, còn tôi ở nhà chăm sóc đứa con trai của 2 vợ chồng, cuộc sống hiện tại của 2 vợ chồng và đứa con trai tôi hoàn toàn chu cấp của ông bà nội (tức là ba mẹ ruột của tôi).

Tiền lương của vợ tôi để trang trải thêm cho vợ chồng và đứa con (mua sắm lặt vặt). Do cuộc sống thường ngày có mâu thuẩn giữa mẹ chồng con dâu nên vợ chồng tôi quyết định ly hôn, bản thân tôi được biết con cái sau 36 tháng mới được quyền tranh chấp nuôi con, vì trước 36 tháng được mẹ nuôi dưỡng theo quy định.

Hiện tại vợ tôi làm lương 1 tháng là 2triệu 9 trăm đồng, nếu ly hôn thì vợ tôi sẽ ở trọ và nuôi con, nếu tính chi tiết trong 2 triệu 9 trăm thì điều kiện vợ tôi không đủ tiền để nuôi con. Trong khi bên gia đình vợ thì cha vợ đã chết, mẹ vợ ở nhà nội trợ, anh vợ không có việc làm gì, đang ở nhà phụ thuộc gia đình thì không đủ điều kiện kinh tế để nuôi con. Bên gia đình tôi thì hiện bây giờ tôi chưa có việc làm nhưng tôi đang có 1 dự án chăn nuôi và trồng trọt trang trại đang chờ Ủy ban cấp xã xét duyệt, cha tôi là giám đốc của 1 nhà máy xuất khẩu, mẹ tôi là cấp dưỡng của 1 công ty may, điều kiện kinh tế khá tốt.

Xin văn phòng luật sư cho tôi hỏi là nếu sau 36 tháng tôi có đơn xin quyền nuôi con và tòa xem xét, liệu rằng khả năng được nuôi con của bản thân tôi có chắc chắn không? Và thủ tục như thế nào?

 

Trả lời: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp trên chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, căn cứ Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định như sau:

“3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”

Như vậy, bạn có thể thỏa thuận với vợ về việc này.Bên cạnh đó, nếu vợ bạn không đồng ý thì bạn vẫn có thể được xem xét việc được quyền nuôi con nếu như vợ bạn không chứng minh được mình có đủ điều kiện để nuôi con.

Thứ hai, về câu hỏi của anh là sau 36 tháng có đơn xin nuôi con thì khả năng được nuôi con có chắc chắn hay không, tôi xin trả lời như sau:

Căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

Tòa án quyết định giao cho một bên nuôi con căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất bảo đảm viêc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần. Điều kiện kinh tế của anh khá tốt và nếu anh có thể chứng minh thêm các điều kiện nuôi dưỡng khác đảm bảo cho sự phát triển của con anh về cả thể chất và tinh thần hơn so với vợ anh thì khả năng Tòa án quyết định cho anh nuôi con là rất lớn.

* Về thủ tục: Đầu tiên anh cần chuẩn bị hồ sơ khởi kiện đề nghị thay đổi người trực tiếp nuôi con, bao gồm:

+ Đơn khởi kiện (theo mẫu)

+ Bản án ly hôn

+ Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (bản sao chứng thực)

+ Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực)

+ Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là có căn cứ và hợp pháp

Tiếp theo, anh nộp hồ sơ trên tại Tòa án nhân dân quận/ huyện nơi bị đơn (là vợ anh) đang cư trú, làm việc.

Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ, Tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí cho anh. Sau khi nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/ huyện và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án thì Tòa án sẽ thụ lí vụ án, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và ra bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án.

2. Muốn thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn cần thực hiện thế nào?

Câu hỏi: Xin chào cty luật Minh Gia, Luật sư tư vấn về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn và thủ tục xin thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn theo quy định của pháp luật hiện hành như sau:

Chúng tôi có con chung sinh ngày 5 tháng 12 năm 2014. Chúng tôi ly hôn ngày 18 tháng 3 năm 2016, toàn án giao quyền nuôi con cho vợ vì bé chưa đủ 36 tháng, nhưng chúng tôi đã thỏa thuận miệng tại tòa là cha nuôi một tuần và mẹ một tuần. Vợ tôi đã sống chung với người đàn ông nhưng có lẽ ko đăng ký kết hôn, và ko có công việc ổn định. Học phí của bé là do tôi đóng cô ta không hề quan tâm đến. Bé rất mến ba và nội nên bé thường đòi về ba về nội nên vợ tôi cố tình cản trở tôi và con gặp nhau. Hôm ngay là ngày 21 tháng 5 năm 2017 là ngày tới tôi rước bé về thì vợ tôi đem bé  lên TPHCM sống và chỉ gọi điện thoại nói " tôi bồng con lên tphcm rồi khỏi qua rước" rồi cúp máy.Nay tôi xin đổi thay đổi quyền nuôi con vì mẹ nó không ra gì, sẽ ảnh hưởng đến lối sống của cháu sau này. Và còn cha dượng của bé đối xử với bé thế nào. Mong luật sư tư vấn giúp Xin cảm ơn 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau: 

Theo khoản 3 điều 81, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Như vậy tính đến thời điểm hiện tại bé vẫn dưới 36 tháng tuổi, nên về nguyên tắc bé vẫn được giao cho mẹ nuôi và anh không được yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Nếu anh vẫn muốn thay đổi người trực tiếp nuôi con thì anh phải đợi đến khi bé hơn 36 tháng tuổi. Điều 84, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn (đã được trích dẫn tại phần tư vấn trên).

Tòa án quyết định giao cho một bên nuôi con căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất bảo đảm viêc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần. Nếu anh chứng minh được rằng vợ anh không có đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con và chứng mình điều kiện của anh đủ để chăm sóc cho bé thì tòa án sẽ xem xét thay đổi người trực tiếp nuôi con từ vợ anh sang anh.

Thủ tục, hồ sơ đề nghị thay đổi người trực tiếp nuôi con (theo hướng dẫn tại phần trên).

---

3. Thủ tục thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn được thực hiện thế nào?

Câu hỏi:  Chào luật sư, Hoàn cảnh gia đình cháu hơi rắc rối một chút, mẹ cháu li hôn với dượng gần một năm rồi hiện tại dượng cũng vừa lập gia đình lại mẹ con cháu cũng bắt đầu một cuộc sống mới cũng gặp khó khăn về kinh tế. Cháu là con riêng của mẹ cháu 18 tuổi và đã Đi làm thu nhập bình quân 4.500.000 đồng mẹ cháu cũng có mức thu nhập như vậy. Hiện tại mẹ con cháu vừa xây nhà nên có khoản nợ 200 triệu đồng ở ngân hàng. Đó là tình hình kinh tế nhà cháu còn dượng cháu cũng không rõ lắm ông ấy lai xe 4 chỗ ở nhà còn vợ ông ấy bán quần áo ở chợ. Cháu xin lỗi vì hơi dài dòng một chút khi ly hôn mẹ cháu nhường quyền nuôi con vì ông ấy không có khả năng sinh con  .em trai cháu cũng là con nuôi của  dượng và mẹ cháu ,nhưng gia đình cháu coi em như ruột thịt mẹ cháu chăm em từ khi mẹ ruột em mang thai 8 tháng. Khi đó hai bên dượng và mẹ cháu li hôn có thoa thuận cho thăm hỏi thường xuyên nhưng dượng luôn có nhiều lí do không muốn mẹ cháu đón em vì sợ em theo mẹ em trai cháu rất quấn mẹ. Cháu biết khinh tế hiện tại có chút khó khăn nếu muốn dành lại quyền nuôi con  . Em trai cháu hiện tại năm tuổi, vì cháu đi làm xa nhà thỉnh thoảng mới về mẹ cháu sống một mình nên cháu muốn đón em về ở cùng mẹ hơn nữa dượng cũng đã có gia đình mới. Cháu nghĩ để mẹ chăm sóc em sẽ tốt hơn trước đây em cháu ở với dượng cũng là bà nội chăm sóc trẻ con tiếp xúc quá nhiều với đồ điện tử không tốt nhưng nếu không biết gì về mấy đồ đó cũng là thiệt thòi cháu rất thương em trai .cháu không muốn em có tuổi thơ như cháu. Hiện tại cháu muốn hỏi thủ tục pháp lý cũng như chi phí và thời gian để hoàn tất thủ tục đòi lại quyền nuôi con nếu hai người lớn cứ giành qua giành lại trong thời gian dài sẽ làm em trai cháu có những cảm xúc tiêu cực . Mong luật sư sớm trả lời mail của cháu. Cháu cảm ơn rất nhiều ạ. Chúc luật sư gặp nhiều may mắn và thành công trong sự nghiệp. 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

Theo điều 84 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn như sau:

“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con... (đã được trích dẫn cụ thể tại phần tư vấn 1)

Như vậy để thay đổi người trực tiếp nuôi em trai bạn thì giữa dượng và mẹ có thể tự thỏa thuận với nhau, trường hợp không thỏa thuận được thì mẹ bạn có quyền gửi yêu cầu đến Tòa án nhân dân nơi đã thỏa thuận về quyền nuôi con trước đây. Trường hợp tại thời điểm này mới phát sinh giành quyền nuôi con thì Tòa án nơi em trai bạn đang cư trú là Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Đồng thời, mẹ bạn phải chứng minh các điều kiện của mình tốt hơn so với dượng về mọi mặt. Các điều kiện cần chứng minh đó là:

+ Thu nhập hàng tháng (có đảm bảo để nuôi con hay không)

+ Chỗ ở ổn định;

+ Môi trường sống đảm bảo cho sự phát triển tốt nhất về hể chất và tinh thần cho con.

+ Thời gian làm việc có đảm bảo để chăm sóc con hay không.

+ Sự quan tâm, chăm sóc giành cho con.

 Hồ sơ tiến hành thủ tục thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn bao gồm: những giấy tờ như hướng dẫn tại phần tư vấn (1)

Đồng thời khi thực hiện thủ tục yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, người có yêu cầu sẽ không phải nộp tạm ứng án phí và không nộp lệ phí tòa án theo quy định tại điều 11 Nghị quyết 326/2016/NQ- UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm thu và quản lý và sử dụng án phí của tòa án như sau:

"2. Những trường hợp sau đây không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án, không phải chịu lệ phí Tòa án:

..

d) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật; thay đổi người trực tiếp nuôi con; hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó theo quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 5 Điều 84, khoản 2 Điều 86, khoản 2 Điều 119 của Luật hôn nhân và gia đình; cơ quan nhà nước yêu cầu Tòa án cung cấp bản sao, trích lục bản án;

Trên đây là nội dung tư vấn về: Thủ tục thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn hôn nhân gia đình trực tuyến để được giải đáp.

Trân trọng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169