LS Trần Liên

Thủ tục sang tên QSDĐ là di sản thừa kế của nhiều đồng thừa kế cho một người thừa kế

Gia đình em hiện tại đang sống chung trên mảnh đất với ông bà nội, và hiện tại nhà em không có sổ đỏ (vì là xây trên đất của ông bà nội). Ngày xưa, khi Cấp Sổ đỏ thì chỉ đứng tên 1 người là ông nội em. Hiện tại ông đã mất và bà thì còn sống. Bây giờ, vì nhiều vấn đề nên bà muốn chuyển sổ đỏ sang cho bố mẹ em đứng tên nhưng không biết thủ tục phải làm là như thế nào và cần những giấy tờ gì.

Có một vấn đề ở chỗ là sổ đỏ chỉ đứng tên ông nội chứ không có tên bà nội, nếu bây giờ muốn chuyển sang cho bố mẹ em thì lại phải xét đến việc ông chuyển sang cho bà đã rồi bà mới chuyển sang cho con được. Nếu xét theo pháp luật về thừa kế thì bà và các con của ông bà là hàng thừa kế thứ nhất, và di sản thừa kế là mảnh đất đó sẽ được chia đều cho các con, nhưng bây giờ trong đại gia đình em (tức là bao gồm các con của ông bà) đã thỏa thuận đồng ý là chuyển sổ đỏ đó cho bố mẹ em đứng tên và quản lý. Vậy nên bây giờ muốn làm các thủ tục liên quan đến việc chuyển tên trên sổ đỏ thì phải làm như thế nào và cần những loại giấy tờ gì ạ? Mong luật sư tư vấn và trả lời trong thời gian sớm nhất giùm em ạ. Em xin chân thành cảm ơn.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

1/ Về quyền thừa kế thửa đất, theo Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 quy định về Người thừa kế theo pháp luật

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;"

Theo như thông tin bạn cung cấp, ông nội là người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi ông mất và không để lại di chúc thì mảnh đất này là di sản thừa kế và được chia theo pháp luật.

Trường hợp này, bà nội và những người con trong gia đình sẽ được hưởng  quyền thừa kế. quyền sử dụng mảnh đất này sẽ được chia đều cho bà nội và những người con.

2. Về thủ tục thực hiện việc sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sang tên bố mẹ bạn.

Vì di sản thừa kế của ông nội được chia thừa kế theo pháp luật, bố của bạn chỉ được hưởng một phần của từng mảnh đất đó nên nếu bố của bạn muốn chuyển quyền sử dụng đất 2 mảnh đất của ông nội cho mình và bà nội và những người con khác cũng đồng ý thì những người đồng thừa kế có thể thực hiện một trong hai thủ tục sau:

Trường hợp thứ nhất, những người đồng thừa kế còn lại cùng từ chối nhận di sản thừa kế theo Điều 642 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định:

“1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản. 

3. Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế.”

Nếu không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác thì  những bà nội và những người con khác có thể từ chối việc nhận di sản thừa kế. Việc từ chối nhận di sản thừa kế phải được lập thành văn bản.

Trường hợp thứ hai, trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, bà nội và những người con còn lại tặng cho toàn bộ quyền hưởng di sản thừa kế của họ cho bố, mẹ bạn. Bố bạn và những người đồng thừa kế còn lại thỏa thuận phân chia di sản thừa kế tại cơ quan công chứng.

3. Về khai nhận di sản thừa kế. Gia đình của bạn cần tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo pháp luật. Việc khai nhận di sản thừa kế này có thể công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế tại tổ chức công chứng bất kỳ trên địa bàn nơi có bất động sản.

* Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế:

- Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu;

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;

- Giấy chứng tử của bố bạn;

- Giấy tờ tùy thân của người nhận thừa kế;

- Giấy tờ chứng minh là người thừa kế duy nhất của người để lại di sản;

- Những giấy tờ khác (như giấy kết hôn, giấy khai sinh…)

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan công chứng niêm yết công khai. Sau 15 ngày niêm yết mà không có khiếu nại, tố cáo thì cơ quan công chứng thực hiện thủ tục chứng nhân văn bản khai nhận di sản thừa kế này.

4. Đăng ký sang tên quyền sử dụng đất

Bố mẹ bạn phải thực hiện đăng kí sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng kí quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài  nguyên và môi trường huyện nơi có đất:

*  Hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất gồm:

+ Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

+    Giấy tờ khác, như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của hai bên…

Thủ tục: Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, gửi hồ sơ cho cơ quan quản lý đất đai thuộc Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn