Cao Thị Hiền

Thủ tục 2 người cùng đứng tên sổ đỏ thế nào?

Pháp luật hiện hành ghi nhận hai hình thức sở hữu bao gồm sở hữu riêng và sở hữu chung; đối với hình thức sở hữu chung, đặc biệt là sở hữu chung đất đai, các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức có quyền sử dụng đất được ghi nhận trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy pháp luật quy định thế nào về các thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục cấp giấy chứng nhận cho hai người cùng đứng tên trên sổ đỏ thể nào? Công ty Luật Minh Gia giải đáp như sau:

1. Sổ đỏ là gì?

Hiện nay, chưa có văn bản pháp lý nào quy định về khái niệm sổ đỏ. Thuật ngữ sổ đỏ được dùng để gọi “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai 2013 định nghĩa “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khắc gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.” Theo đó, sổ đỏ hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp.

2. Trường hợp sổ đỏ đứng tên hai người

Khoản 2 Điều 98 Luật đất đai 2013 quy định nguyên tắc cấp giấy chứng nhận được quy định như sau: “Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.Như vậy, pháp luật không giới hạn số lượng người đứng tên trên giấy chứng nhận nếu những người này đều có chung quyền.

Pháp luật hiện hành quy định một số trường hợp sổ đỏ đứng tên 02 người như sau:

Trường hợp 1: tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng

Căn cứ khoản 1 Điều 34 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung như sau:“1. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.”

Như vậy, nếu tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Trường hợp 2: không phải vợ chồng cùng đứng tên trên sổ đỏ

Hiện nay, việc nhiều người cùng đứng tên trên sổ đỏ ngày càng phổ biến ví dụ như hai người cùng mua chung mảnh đất, cùng góp vốn làm ăn, anh chị em cùng mua mảnh đất…trong trường hợp này, các bên có quyền đăng ký quyền sử dụng đất chung đứng tên hai người.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật đất đai 2013 khi những người góp tiền nhạn chuyển nhượng chung thửa đất không có yêu cầu cho một người đại diện giữ giấy chứng nhận thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp cho mỗi người một giáy chứng nhận. Trường hợp những người góp tiền nhận chuyển nhượng  chung thửa đất có thỏa thuận bằng văn bản cấp 01 giấy chứng nhận cho người đại diện thì giấy chứng nhận sẽ được cấp cho người đại diện đó.

3. Thủ tục 02 người cùng đứng tên sổ đỏ

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

  • Đối với vợ chồng:

+ Giấy đăng ký kết hôn;

+ Giấy tờ mua bán nhà đất hợp pháp của 2 vợ chồng trong giai đoạn hôn nhân;

+ Giấy tờ tặng cho hoặc thừa kế chung nếu có;

+ Đơn đề nghị cấp đổi giấy chứng nhận theo mẫu 10/đk

+ Bản gốc giấy chứng nhận đã cấp;

  • Đối với hai người không phải là vợ chồng:

+ Giấy tờ cá nhân của hai bên;

+ Giấy tờ chứng minh: hợp đồng mua bán nhà đất, nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế nhà đất chung;

+ Đơn đề nghị cấp đổi giấy chứng nhận theo mẫu 10/đk;

+ Bản gốc giấy chứng nhận đã cấp.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc bộ phận 1 cửa cấp huyện. Khi nộp, nếu hồ sơ không đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì bạn sẽ được cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ thông báo và hướng dẫn nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ trong thời hạn 03 ngày.

Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, xem xét hồ sơ

Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và đưa phiếu cho người nộp hồ sơ; lập hồ sơ đề trình cho cơ quan có thẩm quyền về việc cấp giấy chứng nhận; cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai;

Bước 4: Cấp giấy chứng nhận cho người được cấp

Việc đứng tên chung sổ đỏ sẽ gặp nhiều rủi ro như không thể tự quyết việc chuyển nhượng sổ đỏ cho người khác; dễ xảy ra mâu thuẫn giữa các thành viên khi đứng chung sổ đỏ;…do vậy người dân cần cân nhắc tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169