Hoài Nam

Thông quan là gì? Thủ tục thông quan hải quan thế nào?

Thông quan là một thủ tục bắt buộc trong hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa chính ngạch. Hàng hóa muốn được xuất đi hoặc nhập khẩu vào nội địa cần phải thực hiện thủ tục này. Vậy thông quan là gì? Thủ tục thông quan hải quan thế nào?

1. Khái niệm về thông quan

Theo từ điển Tiếng Việt, thông quan được hiểu là việc cơ quan hải quan quyết định hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải được xuất cảnh, nhập cảnh.

Theo quy định của pháp luật, tại khoản 21 Điều 4 Luật Hải quan 2014 giải thích: “Thông quan là việc hoàn thành các thủ tục hải quan để hàng hóa được nhập khẩu, xuất khẩu hoặc đặt dưới chế độ quản lý nghiệp vụ hải quan khác.”

Như vậy, thông quan là một thủ tục hành chính bắt buộc phải thực hiện trong giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế để có thể xuất hàng hóa ra nước ngoài hoặc nhập khẩu hàng hóa vào một địa. Qua thủ tục thông quan sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý và nắm bắt được thông tin của hàng hóa, đảm bảo cho hàng hóa được mua bán là loại hàng hóa hợp pháp theo quy định pháp luật.

2. Điều kiện và thủ tục thông quan hàng hóa

- Điều kiện thông quan hàng hóa

​Theo quy định tại khoản 3 Điều 16 và khoản 1 Điều 37 Luật Hải quan 2014, điều kiện để hàng hóa được thông quan là sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan. Thủ tục hải quan là các công việc mà người khai hải quan và công chức hải quan phải thực hiện theo quy định pháp luật đối với hàng hóa, phương tiện vận tải.

- Thủ tục thông quan hàng hóa

Theo quy định pháp luật, hàng hóa được thông quan sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan. Tại Điều 21 Luật Hải quan 2014, thủ tục hải quan được thực hiện như sau:

Bước 1: Khai và nộp tờ khai hải quan; nộp hoặc xuất trình chứng từ thuộc hồ sơ hải quan

Để có tờ khai hải quan thì người khai cần phải đăng ký tờ khai hải quan thông qua 02 phương thức: đăng ký điện tử hoặc đăng ký trực tiếp tại cơ quan hải quan. Tờ khai hải quan được đăng ký sau khi cơ quan hải quan chấp nhận việc khai của người khai hải quan. Thời điểm đăng ký được ghi trên tờ khai hải quan.

Chứng từ thuộc hồ sơ hải quan tùy từng trường hợp mà người khai sẽ phải nộp hoặc xuất trình hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành, các chứng từ liên quan đến hàng hóa theo quy định của pháp luật có liên quan. Chứng từ thuộc hồ sơ hải quan là chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử. Chứng từ điện tử phải bảo đảm tính toàn vẹn và khuôn dạng theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Bước 2: Đưa hàng hóa, phương tiện vận tải đến địa điểm được quy định để kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải.

Địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa bao gồm:

- Địa điểm kiểm tra tại khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế; bưu điện quốc tế; cảng biển, cảng thủy nội địa có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa;

- Trụ sở Chi cục Hải quan;

- Địa điểm kiểm tra tập trung theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;

- Địa điểm kiểm tra tại cơ sở sản xuất, công trình; nơi tổ chức hội chợ, triển lãm;

- Địa điểm kiểm tra tại khu vực kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ;

- Địa điểm kiểm tra chung giữa Hải quan Việt Nam với Hải quan nước láng giềng tại khu vực cửa khẩu đường bộ;

- Địa điểm khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định trong trường hợp cần thiết.

Bước 3: Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Một số lưu ý khi thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa

Một là, trường hợp người khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng chưa nộp, nộp chưa đủ số thuế phải nộp trong thời hạn quy định thì hàng hóa được thông quan khi được tổ chức tín dụng bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp hoặc được áp dụng thời hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Hai là, trường hợp chủ hàng hóa bị xử phạt vi phạm hành chính về hải quan bằng hình thức phạt tiền và hàng hóa đó được phép xuất khẩu, nhập khẩu thì hàng hóa có thể được thông quan nếu đã nộp phạt hoặc được tổ chức tín dụng bảo lãnh về số tiền phải nộp để thực hiện quyết định xử phạt của cơ quan hải quan hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ba là, đối với hàng hóa phải kiểm tra, phân tích, giám định để xác định có đủ điều kiện được xuất khẩu, nhập khẩu, cơ quan hải quan chỉ thực hiện thông quan hàng hóa sau khi xác định hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu trên cơ sở kết luận kiểm tra, phân tích, giám định hoặc thông báo miễn kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Bài viết nổi bật
Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo