Trần Tuấn Hùng

Thời gian làm việc trước năm 1995 có tính vào thời gian tham gia BHXH?

Tư vấn về việc tính thời gian tham gia BHXH cho người lao động có thời gian gián đoạn làm việc trong khu vực nhà nước và thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự trước năm 1993.

Nội dung câu hỏi: Tôi sinh 1966. Năm 1983 tôi đang công tác tại XNQD nhà nước, thì 03/1985 nghĩ việc để thi hành NVQS. Đến 10/1989 giải ngũ nhận QĐ chuyển ngành về làm lại XN cũ, cho đến 10/1992 thì làm đơn xin nghĩ việc. Hành nghề tự do cho đến 05/1997 thì xin được việc làm trong KCX TT Q7, đến cuối 01/2018 năm nay vì lý do sức khỏe tôi đã làm đơn xin nghĩ việc. Và thắc mắc muốn giải đáp của tôi như sau:

01/ Cty trả sổ BHXH cho tôi chỉ thấy ghi tổng thời gian đóng BHXH là 20 năm 07 tháng (05/1997 - 01/2018 tại Cty), mà không thấy có ghi tổng thời gian 09 năm làm việc trước và sau khi tôi chuyển ngành về XN cũ làm lại (1983 - 1992). Thời gian này được có tính cộng nối vào BHXH không? Hiện tại ngoài QĐ chuyển ngành và 03 huân chương của QĐ năm xưa tôi còn giữ, các giấy tờ, QĐ khác liên quan đến XN cũ không còn, mà XN cũ giờ cũng đã giải thể từ lâu.

Nếu trường hợp 01 không khả thi, thì trong trường hợp 02 tôi có hy vọng...? (tôi lương thấp cũng chỉ vừa đủ thời gian đóng BHXH, còn thiếu hơn 08 năm tuổi hưu. Đến lúc đó trừ % chắc chả còn bao nhiêu...!)

02/ Quyết định chuyển ngành của tôi có ghi tổng thời gian phục vụ quân đội là 04 năm 08 tháng, trong đó 03 năm ở Campuchia và thực tế cho đến nay tôi chưa hề nhận trợ cấp một lần theo quyết định số 62/2011/TTG-QĐ. Vậy theo quyết định này, tôi có được cộng dồn tổng thời gian 04 năm 08 tháng vào BHXH hay chỉ có mỗi thời gian 03 năm ở Campuchia?

03/ Giấy chứng thực chưa nhận trợ cấp một lần theo quyết định số 62/2011/TTG-QĐ để nộp cho BHXH là mẫu có sẵn hay tôi phải tự viết đơn? Tôi mang ra UB Phường cho bộ phận nào chứng thực hay cơ quan nào khác?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, thời gian tham gia công tác tại XNQD Nhà nước và thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự có được tính vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội?

 

Khoản 6 Điều 123 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định:

 

“6. Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân, và công an nhân dân.”

 

Điểm b Khoản 1 Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội

 

“1. Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà được tính là thời gian công tác liên tục nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể:

 

b) Người lao động có thời gian công tác gián đoạn hoặc đã nghỉ việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì việc xác định thời gian công tác để tính hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ quy định tại Điều 3 của Nghị định số 66/CP ngày 30 tháng 9 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội đối với lực lượng vũ trang; Điều 3 của Nghị định 43/CP ngày 22 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội; Điều 54 của Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ; Điều 49 Điều lệ Bảo hiểm xã hội đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ và Khoản 4 Điều 139 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.”

 

Điều 54. Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ:

 

“1/ Người lao động đã có thời gian làm việc thuộc khu vực Nhà nước trước ngày thi hành Điều lệ này, nếu chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp 1 lần về bảo hiểm xã hội, thì được tính là thời gian để hưởng bảo hiểm xã hội.”

 

Như vậy thời gian trước khi tham gia nghĩa vụ quân sự và sau khi nghĩa vụ quân sự bạn làm ở XNQD Nhà nước tức là bạn có thời gian làm việc gián đoạn trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995 nhưng chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp 1 lần về bảo hiểm xã hội thì thời gian đó được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội không phải đóng bảo hiểm xã hội.

 

 Khoản 2 Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định:

 

“2. Quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15 tháng 12 năm 1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (bao gồm cả người làm việc tại y tế xã, phường, thị trấn, giáo viên mầm non hoặc người giữ các chức danh ở xã, phường, thị trấn trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đã được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội) và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động mà không hưởng chế độ trợ cấp theo quy định dưới đây thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an trước đó với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính hưởng bảo hiểm xã hội:

......

g) Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.”

 

Khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn Khoản 1 Điêu 2 Quyết định 62/2011/QĐ-TTg:

 

“2. Đối tượng áp dụng 



a) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, bao gồm cả lực lượng công an nhân dân vũ trang, bộ đội Biên phòng qua các thời kỳ (gọi chung là quân nhân), người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân, nhập ngũ, tuyển dụng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, có dưới 20 năm phục vụ trong quân đội, cơ yếu, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh hàng tháng thuộc một trong các trường hợp sau đây: 



- Đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 01 tháng 4 năm 2000; 



- Thương binh đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 01 tháng 4 năm 2000; thương binh nặng đang điều dưỡng tại các đoàn điều dưỡng thương binh do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý hoặc đã về gia đình; …”

 

Bạn nhập ngũ năm 1985 và xuất ngũ năm 1989, có cả thời gian tham gia bảo vệ tổ quốc và thời gian tham gia làm nhiệm vụ quốc tế thì 4 năm 8 tháng tham gia nghĩa vụ quân sự và chưa hưởng chế độ trợ cấp theo quy định của Quyết định 62/2011/QĐ-TTg sẽ được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.

 

Thứ hai, thủ tục để ghi xác nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội?

 

Căn cứ Khoản 3 Điều 27 Quyết định 595 thì hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:

 

- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1 -TS).

 

- Hồ sơ kèm theo (Mục 1, 2 Phụ lục 01).

 

Mục 1 Phụ lục 01 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định:

 

“1. Cộng nối thời gian nhưng không phải đóng BHXH

 

1.1. Trường hợp cấp và ghi xác nhận thời gian đóng BHXH cho người lao động có thời gian công tác trước năm 1995 (không bao gồm người bị kỷ luật buộc thôi việc hoặc tự ý bỏ việc, bị phạt tù giam trước ngày 01/01/1995), hồ sơ bao gồm:

 

a) Lý lịch gốc và lý lịch bổ sung (nếu có) của người lao động, quyết định tiếp nhận, hợp đồng lao động, các giấy tờ có liên quan khác như: quyết định nâng bậc lương, quyết định điều động hoặc quyết định chuyển công tác, quyết định phục viên xuất ngũ, chuyển ngành, giấy thôi trả lương….;”

 

Khi làm hồ sơ cộng nối thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bạn có thể nộp các loại giấy tờ mà mình còn lưu giữ được ví dụ như quyết định chuyển ngành hoặc lý lịch gốc...và quyết định phục viên xuất ngũ kèm theo tờ khai theo mẫu TK1- TS ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH. Vì bạn không thuộc trường hợp nghỉ chờ việc nên không phải có xác nhận của đơn vị trước đây làm việc.

 

Việc xác nhận chưa hưởng trợ cấp theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg bạn phải đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết chế độ để được cấp giấy xác nhận và hoàn tất thủ tục cộng nối lên cơ quan bảo hiểm xã hội.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169