Luật sư Dương Châm

Thỏa thuận lối đi chung quy định thế nào?

Trong quá trình sử dụng đất, giữa những người có thửa đất liền kề hoặc sử dụng lối đi thường phát sinh nhiều mâu thuẫn. Phổ biến là việc tranh chấp về lối đi chung. Có nhiều trường hợp do bản đồ địa chính lập sai, không đúng với nguồn gốc mà tự ý đưa vào diện tích sử dụng chung hoặc đưa vào đường đi công cộng.

Câu hỏi tư vấn:

Tôi được mẹ cho 1 miếng đất hình chữ nhật KT 6 x 25 = 150 m2, phía tiếp giáp với mặt tiền 6 m mẹ tôi vẫn còn thừa 20 m2, nhưng UBND Phường lại đưa vào lối đi chung khi tách thửa (đã đo tách thửa từ năm 2017 nhưng đến nay 2021 vẫn chưa cấp sổ riêng cho 5 hộ) trong khi dồn hai phần đất cho tôi thì phần đất tăng thêm vẫn giáp lối đi chung, tôi có đề nghị đưa luôn 20 m2 đó vào sổ của tôi thành 170 m2 (mẹ tôi cũng đồng ý) nhưng được cán bộ địa chính trả lời là không được. Xin hỏi UBND Phường xử lý như thế có đúng quy định và bắt buộc không. Tôi phải làm như thế nào để ghép được 20 m2 đó vào sổ của tôi?

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp của anh, chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:

Theo thông tin anh cung cấp, do một số thông tin về thửa đất và lối đi chung còn chưa rõ nên chúng tôi chia hai trường hợp như sau:

*Trường hợp 1: Diện tích 20 m2 được sử dụng là lối đi duy nhất để đi vào các thửa đất còn lại

Trong trường hợp này, khi tách thành 05 thửa đất và cấp riêng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 05 hộ cần đảm bảo những hộ còn lại đều phải có lối để đi vào thửa đất. Theo Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 thì:

“Điều 254. Quyền về lối đi qua

1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.”

Chúng tôi chưa nắm rõ vấn đề tách thửa của gia đình, nhưng trong trường hợp phần diện tích 20 m2 này của mẹ anh là phần đất làm lối đi duy nhất và thuận tiện nhất để đi vào một trong số các thửa còn lại sau khi tách thửa thì cán bộ địa chính trả lời là có căn cứ. Theo đó, yêu cầu gộp 20m2 vào Giấy chứng nhận của anh là không phù hợp với quy định pháp luật bởi không đảm bảo quyền về lối đi qua cho những người sử dụng đất ở phía trong.

Vì vậy, các bên sử dụng lối đi chung có thể tự thỏa thuận với nhau về các vấn đề sử dụng lối đi chung, về chi phí sử dụng chung lối đi,… Nếu không tự thỏa thuận được thì hòa giải tại UBND phường hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện để giải quyết tranh chấp đất đai.

*Trường hợp 2: 05 hộ đã có lối đi chung khác không nằm trong phần diện tích 20 m2

Trong trường hợp này, nếu diện tích 20 m2 là phần diện tích được xác định thuộc quyền sử dụng đất của mẹ anh (thể hiện ở Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện công nhận diện tích 20 m2 đất tăng thêm), đồng thời đã có một lối đi chung phù hợp khác vào các thửa đất thì mẹ anh có quyền đề nghị UBND phường đo đạc chỉnh lý, bổ sung, đo vẽ lại lối đi chung trên bản đồ địa chính (Quy định tại Điều 17 Thông tư 25/2014/TT – BTNMT).

Để gộp 20 m2 diện tích đất vào thửa đất của mình, sau khi mẹ anh đề nghị UBND phường cập nhật lại thông tin về diện tích lối đi chung, anh và mẹ ký bổ sung hợp đồng tặng cho phần diện tích đất này (có công chứng/chứng thực) và gửi hồ sơ đến UBND phường để đăng ký và cập nhật lại diện tích sử dụng đất của anh.

Mọi thông tin thay đổi, bổ sung (nếu có) anh vui lòng liên hệ lại cho Luật Minh Gia để được hỗ trợ giải đáp chi tiết!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169