Luật sư Trần Khánh Thương

Thi hành bản án của Toà án về quyền nuôi con

Khi ly hôn, các cặp vợ chồng đều quan tâm đến quyền nuôi con, bởi lẽ, đối với cha mẹ, con cái là tài sản quý giá. Khi ly hôn, cha mẹ không còn chung sống với nhau nên ai cũng muốn mình có quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con và các bên có nghĩa vụ thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa. Trong trường hợp một bên vi phạm nội dung bản án, quyết định của Tòa án thì bên còn lại được quyền yêu cầu thi hành án để bảo đảm quyền lợi của mình và của con.

1. Quyền nuôi con sau khi ly hôn

Khi ly hôn, vợ chồng có thể tự thỏa thuận về quyền nuôi con. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì vợ chồng có quyền nhờ Tòa án giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con. Khi đưa ra quyết định giao con cho ai trực tiếp nuôi dưỡng, Tòa án sẽ dựa vào những căn cứ theo quy định pháp luật để đảm bảo nhất có thể quyền lợi của con. Nhưng dù ai là người trực tiếp nuôi con thì người còn lại không trực tiếp nuôi dưỡng vẫn phải có quyền và nghĩa vụ thăm nom, cùng giáo dục, nuôi dưỡng con.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều cặp vợ chồng lại lầm tưởng chỉ khi có quyền nuôi con trực tiếp mới được chăm sóc, giác dục con. Chính điều này dẫn đến những trường hợp dù đã có bản án của Tòa về việc giao con cho cha hoặc mẹ trực tiếp nuôi dưỡng những người còn lại không nghe theo, giữ và không giao lại con theo như phán quyết của Tòa án. Hoặc có trường hợp lầm tưởng việc mình được trực tiếp nuôi con thì người còn lại sẽ không có quyền thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nữa dẫn đến nhiều trường hợp cố tình không cho người không trực tiếp nuôi con thăm con, chăm sóc con theo bản án của Tòa dẫn đến những tranh chấp không đáng có.

2. Thi hành bản án của toà án về quyền nuôi con

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Em chào tổng đài tư vấn Luatminhgia. Em có một người em gái năm nay 22 tuổi mới ly hôn. Toà xét cho con (hiện đang bú mẹ) về ở với mẹ của cháu. Nhưng gia đình nhà chồng lại tới bắt cháu về. Hơn nữa, cháu bị ốm lại không chăm sóc cháu chu đáo.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với nội dung chị đang vướng mắc Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Tại Điều 45 Luật thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định về thời hạn tự nguyện thi hành án

1. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.

2. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này.”

Tại Điều 46 Luật thi hành án có quy định về Cưỡng chế thi hành án như sau:

1. Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.

Tại Điều 30 có quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án như sau:

1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.”

Theo quy định trên, người không trực tiếp nuôi con có quyền được thăm nom con mà không ai được phép cản trở. Tuy nhiên việc thăm nom này không được ảnh hưởng đến xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con, nếu không họ có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom của người không trực tiếp nuôi con. Người không trực tiếp nuôi con phải tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi con.

Theo thông tin bạn cung cấp, Tòa án đã có bản án quyết định giao con cho người mẹ nuôi. Theo như bản án, người bố phải có nghĩa vụ giao lại con cho người mẹ nuôi. Tuy nhiên gia đình nhà nội lại bắt con về không cho mẹ nuôi, thậm chí khi con ốm còn không chăm sóc chu đáo. Như vậy, người mẹ có quyền đề nghị thi hành án dân sự tới chi cục thi hành án dân sự về việc thi hành bản án của Tòa án về quyền nuôi con theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự nêu trên. Trong thời hạn 10 ngày từ khi nhận được quyết định thi hành án, người bố và gia đình bên nội phải tự nguyện giao lại con cho người mẹ. Nếu không, cơ quan thi hành án sẽ cưỡng chế thi hành án buộc người bố và gia đình bên nội giao lại con cho người mẹ nuôi. Đồng thời, hành vi gia đình bên nội bắt con về và không chăm sóc khi con ốm đã gây ảnh hưởng xấu đến việc nuôi dưỡng và chăm sóc con. Do đó, người mẹ hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom của người bố để tránh trường hợp tương tự xảy ra.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo