Phạm Diệu

Thay đổi họ tên cho con trong Giấy khai sinh

Chào luật sư em có 1 thắc mắc muốn hỏi về thay đổi họ tên như sau: Vợ chồng em lấy nhau từ năm 2011 chồng em ở quê còn em ở ngoài thành phố và ở nhà ngoại. đến năm 2012 em sinh được 1 cháu trai và cháu được làm giấy khai sinh ở ngoại vì em chưa chuyển khẩu, đến giờ vợ chồng em nảy sinh mâu thuẫn, chồng em đến giờ cũng không có trách nhiệm gì với con,

Vừa rồi chồng em lấy vợ trong khi bọn em chưa ly hôn, em muốn hỏi giờ em muốn đổi họ tên khác cho con em và làm giấy khai sinh ko có tên bố được không? quy định thế nào?

 

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho Luật Minh Giá, Luật Minh Gia xin được tư vấn cho bạn như sau:

 

Trong Giấy khai sinh của con bạn có ghi rõ tên cha, mẹ tại thời điểm khai sinh là đúng sự thật, do đó, việc bạn yêu cầu xóa tên người cha trong giấy khai sinh của con đồng nghĩa với việc yêu cầu không nhận quan hệ cha con của con bạn và người cha đó, mà điều này không phù hợp với quy định của pháp luật.

Về việc đổi họ tên cho con trong Giấy khai sinh, bạn phải căn cứ theo Điều 27 – Bộ luật Dân sự 2015,, cụ thể:

Điều 27. Quyền thay đổi họ

 

1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:

 

a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;

 

b) Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;

 

c) Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;

 

d) Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;

 

đ) Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

 

e) Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;

 

g) Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;

 

h) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

 

2. Việc thay đổi họ cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

 

3. Việc thay đổi họ của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ.

 

Như vậy, chỉ trong các trường hợp trên bạn mới có thể làm thủ tục đổi họ cho con. Trường hợp tuy chồng bạn có tổ chức đám cưới với một người khác nhưng do chưa hoàn tất thủ tục ly hôn với bạn nên việc kết hôn đó được coi là không hợp pháp, và con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của hai bạn được xác định là con chung. Do đó, với tư cách là cha của cháu, bạn phải hỏi ý kiến chồng nếu muốn đổi họ cho con.
 

Trường hợp đã có sự đồng ý của chồng bạn trong việc đổi họ cho con. Vợ chồng bạn có thể lập văn bản đồng thuận đổi họ cho con và làm theo các bước quy định tại Điều 28 – Luật Hộ tịch 2014 như sau:

 

Điều 28. Thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch

 

1. Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

 

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

 

Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.

 

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.

 

3. Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.

 

Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo