Hoài Nam

Thanh toán lc là gì? Thư tín dụng quy định thế nào?

Hiện nay trong các giao dịch thương mại quốc tế, thư tín dụng L/C là một hình thức thanh toán được áp dụng phổ biến, an toàn theo những chuẩn mực thanh toán quốc tế. Vậy thư tín dụng L/C là gì? Được quy định như thế nào?

1. Khái niệm thư tín dụng

Trong các giao dịch thương mại quốc tế, các bên có thể sử dụng nhiều phương thức thanh toán đa dạng, phương thức phổ biến nhất hiện nay là thanh toán tín dụng chứng từ. Theo phương thức này, một ngân hàng (ngân hàng mở tín dụng – issuing bank) theo yêu cầu của một khách hàng (người xin mở tín dụng – applicant for credit) sẽ trả tiền cho người thứ ba hoặc cho bất cứ người nào theo lệnh của người thứ ba đó (gọi là người hưởng lợi – beneficiary) hoặc sẽ trả, hoặc chấp nhận và thanh toán hối phiếu do người hưởng lợi phát hành; hoặc ủy quyền cho một ngân hàng khác thanh toán.

Thư tín dụng (letter of credit - L/C) là một phương tiện quan trọng đối với phương thức thanh toán tín dụng chứng từ. Nó là một văn bản pháp lý, trong đó ngân hàng đứng ra cam kết trả tiền cho người bán trong thời hạn nhất định được quy định trong thư tín dụng.

2. Nội dung của thư tín dụng L/C

Nếu trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế quy định việc thanh toán được thực hiện bằng hình thức tín dụng chứng từ thì bên mua (nhà nhập khẩu) phải viết đơn yêu cầu mở thư tín dụng (thư L/C) để gửi ngân hàng phục vụ mình (Ngân hàng phát hành L/C). Nội dung của thư L/C bao gồm các nội dung sau:

- Số hiệu thư tín dụng;

- Địa điểm và ngày mở thư tín dụng, loại thư tín dụng;

- Tên và địa chỉ của người yêu cầu mở thư tín dụng;

- Tên và địa chỉ của ngân hàng mở thư tín dụng;

- Số tiền trong thư tín dụng (bằng số, bằng chữ và loại tiền);

- Ngày và nơi hết hạn hiệu lực thư tín dụng;

- Thời hạn trả tiền, thời hạn xuất trình chứng từ;

- Ngân hàng trả tiền;

- Thời hạn giao hàng, nơi gửi hàng, nơi hàng đến;

- Tên hàng, quy cách phẩm chất, giá cả, bao bì, số và trọng lượng, điều kiện cơ sở giao hàng;

- Cách giao hàng, vận tải;

- Các điều kiện khác (nếu có);

- Ngân hàng mở thư tín dụng – cam kết và ký tên.

3. Phân loại thư tín dụng L/C

- Thư tín dụng có thể hủy ngang (Revocable Credit).

Đây là L/C mà ngân hàng mở tín dụng và người mua (nhà nhập khẩu) có thể tùy ý sửa đổi hoặc hủy bỏ nó bất kỳ lúc nào mà không cần báo trước với người bán (nhà xuất khẩu) biết. Tuy nhiên, trong trường hợp hàng hóa đã giao mà ngân hàng mới lệnh hủy bỏ thì lệnh này không có giá trị nữa. Điều này có nghĩa là ngân hàng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán như đã cam kết.

- Thư tín dụng không thể hủy ngang (Irrevocable Credit).

Đây là loại L/C không thể tự ý sửa đổi hay hủy bỏ trách nhiệm nếu không có sự thỏa thuận của các bên liên quan như ngân hàng thông báo, ngân hàng xác nhận, người thụ hưởng.

Trong thanh toán quốc tế, thư tín dụng phải ghi rõ là loại thư tín dụng có thể hủy ngang hay không thể hủy ngang. Trường hợp thư tín dụng không ghi chữ “Irrevocable” thì có thể được coi là L/C không thể hủy ngang (theo điều 6c UCP 1993, số 500)

- Thư tín dụng không thể hủy ngang được xác nhận (Confirmed irrevocable credit).

Đây là loại L/C không thể hủy ngang, được một ngân hàng khác đảm bảo trả tiền L/C đó theo yêu cầu của ngân hàng mở L/C.

- Thư tín dụng không thể hủy ngang không được truy đòi (Irrevocable without recourse credit)

Đây là loại L/C không thể hủy ngang mà sau khi đã trả tiền cho người thụ hưởng, ngân hàng mở L/C mất quyền truy đòi lại số tiền trong mọi trường hợp.

- Thu tín dụng tuần hoàn (Revolving credit)

Đây là loại L/C mà sau khi đã sử dụng xong hoặc đã hết thời gian hiệu lực lại tự động có giá trị như cũ và được tiếp tục sử dụng sau một thời gian nhất định. Loại L/C này thường được áp dụng trong trường hợp các bên mua bán những mặt hàng có khối lượng lớn, cung cấp hàng hóa hay dịch vụ thường xuyên, nhiều kỳ trong một năm với số lượng đều đặn, ít thay đổi.

- Thư tín dụng giáp lưng (Back to back credit)

Đây là loại L/C được mở căn cứ vào L/C khác làm bảo đảm, đó là khi người xuất khẩu căn cứ vào L/C của người nhập khẩu đã mở, yêu cầu ngân hàng phụ vụ mình mở L/C cho người khác hưởng. Loại L/C này thường được áp dụng trong trường hợp mua bán hàng hóa qua trung gian, chuyển khẩu.

- Thư tín dụng có thể chuyển nhượng (Transferable credit)

Đây là loại L/C có thể chuyển nhượng từ người hưởng lợi ban đầu sang một hay nhiều bên khác.

4. Chủ thể tham gia thư tín dụng L/C

Các bên liên quan tham gia quan hệ thanh toán tín dụng chứng từ gồm có:

- Người xin mở thư tín dụng: Thường là người nhập khẩu hay người mua hàng

- Người hưởng lợi: Là người xuất khẩu hay người bán hàng

- Các ngân hàng có liên quan trong thanh toán tín dụng chứng từ. Có ít nhất hai ngân hàng tham gia, đó là: (i) Ngân hàng mở thư tín dụng và (ii) Ngân hàng thông báo. Ngân hàng mở thư tín dụng (hay còn gọi là ngân hàng phát hành) là ngân hàng phục vu người nhập khẩu, có trách nhiệm trả tiền cho người xuất khẩu. Ngân hàng thông báo là ngân hàng phục vụ người xuất khẩu, có trách nhiệm thông báo cho người xuất khẩu biết thư tín dụng đã mở.

Ngoài ra, trong thư tín dụng còn có thể có các bên liên quan khác như ngân hàng xác nhận, ngân hàng thanh toán…

5. Quy trình thanh toán theo phương thức tín dụng chứng từ

Có thể tóm lược quy trình thanh toán theo phương thức tín dụng chứng từ theo các bước sau:

Bước 1: Người mua và người bán ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa

Bước 2: Căn cứ vào đơn xin mở thư tín dụng (thường là của bên mua) gửi đến, ngân hàng phát hành sẽ mở thư tín dụng (L/C) cho người hưởng lợi (thường là người bán). Ngân hàng mở L/C sẽ gửi thư tín dụng đến cho người hưởng lợi qua Ngân hàng thông báo (ngân hàng phục vụ người bán). Ngân hàng thông báo tiến hành thông báo cho người bán hàng, nội dung thông báo về việc mở thư tín dụng và chuyển cho người hưởng lợi sau khi nhận được bản gốc thư tín dụng đó.

Bước 3: Sau khi chấp nhận các điều kiện nêu trong thư tín dụng, người bán giao hàng hóa cho người mua, lập và gửi bộ chứng từ nhận hàng cho người mua qua ngân hàng thông báo.

Bước 4: Ngân hàng mở L/C kiểm tra bộ chứng từ, tiến hành trả tiền cho người bán hàng (thông qua ngân hàng thông báo) nếu nhận đủ bộ chứng từ phù hợp với các điều kiện của L/C.

Bước 5: Ngân hàng mở L/C đòi tiền người mua sau khi chuyển bộ chứng từ cho người mua hoặc chấp nhận thanh toán theo bộ chứng từ.

Bước 6: Người mua kiểm tra bộ chứng từ, trả tiền hoặc chấp nhận trả tiền nếu thấy bộ chứng từ phù hợp với L/C đã mở. Người mua hàng xuất trình bộ chứng từ cho người nhận chuyển để nhận hàng.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Bài viết liên quan
Liên hệ tư vấn