Thẩm quyền ngăn chăn chuyển dịch tài sản theo đơn yêu cầu của cá nhân
Mục lục bài viết
1. Tư vấn về ngăn chặn chuyển dịch tài sản
Xã hội ngày càng phát triển thì ngày càng phát sinh nhiều tranh chấp về đất đai. Do không để ý khi chuyển nhượng hoặc một số vấn đề khác mà dẫn đến tranh chấp thì đất đó có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không?
Nếu bạn đang muốn tìm hiểu về quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này, hãy gửi câu hỏi, ý kiến thắc mắc của mình về Email của công ty Luật Minh Gia để được các Luật sư, chuyên viên hướng dẫn.
2. Luật sư tư vấn thẩm quyền ngăn chăn chuyển dịch tài sản theo đơn yêu cầu của cá nhân
Câu hỏi tư vấn:
Luật sư cho tôi hỏi: tôi có lập thủ tục chuyển nhượng QSDĐ được công chứng chứng nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ. Tôi thực hiện việc đăng ký QSDĐ tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện, được tiếp nhận hồ sơ nhưng đến ngày hẹn tôi đến nhận kết quả thì văn phòng đăng ký đất đai làm phiếu trả hồ sơ do UBND cấp xã nơi có đất nhận đơn của cá nhân và làm công văn gửi văn phòng đăng ký đất đai với nội dung tạm dừng việc chuyển nhượng QSDĐ của bên bán. Nhưng Công văn được UBND xã gửi sau ngày ký công chứng hợp đồng chuyển nhượng và ngày nộp hồ sơ đăng ký đất đai tại văn phòng đăng ký đất đai. Như vậy luật sư cho tôi hỏi thẩm quyền ngăn chặn theo công văn tạm dừng việc đăng ký QSDĐ nêu trên của UBND cấp xã là đúng quy định chưa và nhờ tư vấn cho tôi cách giải quyết. Tôi xin chân thành cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:
Căn cứ Khoản 11 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT:
Điều 7. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014 quy định về hồ sơ địa chính
11. Bổ sung Điều 11a như sau:
"Điều 11a. Từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
1. Việc từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau:
…
đ) Khi nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng Thừa phát lại yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là đối tượng phải thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự hoặc văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án; khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất;
…
Theo đó, trong thời gian Văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận hồ sơ đăng ký đất đai mà nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự thông báo về việc kê biên tài sản là quyền sử dụng đất phải thi hành án, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai xác nhận đất đang có tranh chấp thì Văn phòng đăng ký đất đai sẽ từ chối hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được xác định theo Điều 203 Luật Đất đai năm 2013:
Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Với quy định trên, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thuộc về Tòa án nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Ủy ban nhân dân cấp xã không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai mà chỉ có thẩm quyền hòa giải. Theo đó việc văn phòng đăng ký đất đai từ chối hồ sơ với lý do Uỷ ban nhân dân cấp xã gửi công văn tạm dừng đăng ký đến Văn phòng đăng ký đất đai yêu cầu tạm dừng cấp Giấy chứng nhận là không phù hợp với quy định pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh/chị yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác anh/chị vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất