Luật sư Phùng Gái

Thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn khác nhau thế nào?

Câu hỏi: Luật sư cho hỏi về việc giải quyết ly hôn, nên chọn hình thức thuận tình ly hôn hay ly hôn đơn phương, 2 thủ tục này khác nhau thế nào? Cụ thể: Tôi đang định cư ớ Mỹ cùng con trai 6 tuổi (2 mẹ con có thẻ xanh), chồng tôi cũng đã có thẻ xanh nhưng hiện tại đang sống và làm việc ở VN (nhà cửa ở VN, tôi không đứng tên). Chồng tôi muốn đưa đơn ly hôn tại Việt Nam.

Vậy tôi xin hỏi một số việc như sau:

1. Việc ly hôn đơn phương hay đồng thuận trong trường hợp này có gì khác nhau? Có ảnh hưởng đến quyền nuôi con của tôi bên Mỹ hay không? Sau này tôi dẫn con về Việt Nam chơi thì có vướng mắc gì không?

2. Tôi thấy trên web có đề cập đến 'ủy thác tư pháp', điều đó là như thế nào? Trong trường hợp tôi không đồng thuận thì làm sao việc ly hôn hoàn thành? Nếu đồng thuận, tôi có thể ủy thác cho 1 người ở Việt Nam làm thay được không? Tôi có phải mất chi phí gì không? Kinh mong các luật sư tư vấn giúp. Chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

1. Về giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài

Do thông tin bạn cung cấp không đầy đủ nên cần phải xác định rõ hai bạn có đăng ký kết hôn tại Việt Nam hoặc kết hôn tại Mỹ những đã tiến hành hợp pháp hóa thủ tục để được công nhận hôn nhân hợp pháp tại Việt Nam. Trong trường hợp, kết hôn tại Mỹ nhưng chưa công nhận tại Việt Nam thì chồng bạn không thể làm thủ tục ly hôn tại Việt Nam được mà phải giải quyết tại Mỹ. Trường hợp được công nhận quan hệ hôn nhân tại VN thì việc ly hôn sẽ được giải quyết theo quy định Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

"Điều 127. Ly hôn có yếu tố nước ngoài

1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.

2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam."

>> Tư vấn giải quyết ly hôn theo quy định, gọi: 1900.6169

2. Sự khác nhau giữa thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn

Theo quy định pháp luật hôn nhân gia đình thì quy định về ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương như sau:

"Thuận tình ly hôn

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Và:

"Đơn phương ly hôn (Ly hôn theo yêu cầu của một bên)

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên thấy có thể thấy rằng giữa việc thuận tình hoặc đơn phương ly hôn có những sự khác biệt căn bản.

Đối với trường hợp thuận tình ly hôn là: Do yêu cầu của hai bên vợ và chồng trên tinh thần tự nguyện ly hôn (bao gồm về thỏa thuận phân chia tài sản chung, quyền nuôi con).

- Còn về đơn phương ly hôn là: Sự thể hiện ý chí của một bên để yêu cầu giải quyết ly hôn (thường không đạt được sự thỏa thuận nhất trí của cả hai bên về chia tài sản và con chung). Ngoài ra, thời gian giải quyết vụ việc thuận tình ly hôn là từ 1-2 tháng; thời gian của đơn phương ly hôn có thể kéo dài từ 2-6 tháng, có yếu tố nước ngoài thì có thể từ 8-12 tháng ...

Đồng thời, việc giải quyết ly hôn thuận tình/đơn phương chỉ là căn cứ để Tòa án tuyên bố chấm dứt quan hệ hôn nhân của hai người, chứ không ảnh hưởng trực tiếp tới quyền nuôi con của bạn tại Mỹ. Quyền nuôi con chỉ ảnh hưởng trong trường hợp sau ly hôn chồng bạn cũng có yêu cầu giành quyền nuôi con, và khi đó nếu bạn vẫn muốn dành quyền nuôi thì tự chứng minh khả năng của mình (vật chất, tinh thần...).

+ Trường hợp, bạn không thuận tình ly hôn - Tức chồng làm đơn phương. Nhưng để giải quyết ly hôn hoàn thành thì cần dựa trên hồ sơ giấy tờ hợp lệ, văn bản hòa giải không thành tại cơ quan có thẩm quyền hoặc đầy đủ giấy tờ nhưng đã có giấy triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 mà bạn không có mặt thì Tòa án sẽ giải quyết cho vấn đề ly hôn.

+ Trong trường hợp bạn thuận tình ly hôn nhưng vì lý do mà không thể về Việt Nam để giải quyết thì có thể làm đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt chứ không được phép thực hiện ủy quyền cho người khác thực hiện thay (quyền gắn với nhân thân không thể chuyển giao cho người khác). Căn cứ theo quy định Bộ luật dân sự về quyền nhân thân như sau:

"Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác."

Và tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

"...Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện."

3. Đối với vấn đề ủy thác tư pháp

"Ủy thác tư pháp về dân sự là yêu cầu bằng văn bản của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật nước có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ủy thác tư pháp chính là một hình thức để thực hiện tương trợ tư pháp được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài."

Tại Luật tường trợ tư pháp xác định:

"Yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự

1. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp trong các trường hợp sau đây:

a) Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cho người đang ở nước được yêu cầu;

b) Triệu tập người làm chứng, người giám định đang ở nước được yêu cầu;

c) Thu thập, cung cấp chứng cứ ở nước được yêu cầu để giải quyết vụ việc dân sự tại Việt Nam;

d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam ..."

Theo đó, trong việc giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài thì Tòa án Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự khi cần tiến hành một số hoạt động tố tụng dân sự tại nước ngoài. Cụ thể, đối với vụ việc ly hôn của (một trong hai bên phải là công dân VN) nếu quá trình giải quyết mà cần thu thập các chứng cứ, hồ sơ từ Mỹ thì Tòa án có thể áp dụng ủy thác tư pháp ( nếu hai nước có hiệp định tương trợ tư pháp và Việt Nam là thành viên).

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo