Sinh non bệnh lý có được hưởng chế độ thai sản hay không?
Nội dung câu hỏi: Chào Luật Minh Gia. Em có trường hợp thai sản như sau xin được nghe ý kiến tư vấn của Luật Minh Gia. Nhân viên bên em sinh thiếu tháng, (sinh trước 6 tuần so với dự kiến), khi bắt đầu vào làm việc tại công ty, bạn này đang mang thai 2 tháng, công ty em có đóng bảo hiểm ngay cho bạn bắt đầu từ tháng thứ 3 thai kỳ, tuy nhiên bạn sinh non khi đang ở tháng thứ 8 thai kỳ. Do vậy thời gian tham gia bảo hiểm của bạn chỉ được 5 tháng trước khi sinh. Kết luận của bệnh viện là: SINH NON DO BỆNH LÝ (TIỀN SẢN GIẬT) và trước đó bạn không tham gia bảo hiểm.
Vậy Luật Minh Gia cho em hỏi trường hợp này có được hưởng chế độ gì không ạ, có thông tin thì nói được hưởng tiền trợ cấp là 3 tháng và vẫn đc nghỉ 6 tháng; có thông tin lại nói không được hưởng gì. Chính vì vậy em nhờ Luật Minh Gia tư vấn giúp để có cơ sở trả lời cho bạn này ạ. Em xin cảm ơn.
Trả lời tư vấn:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về Điều kiện hưởng chế độ thai sản:
“2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
>> Tư vấn quy định về chế độ thai sản, gọi: 1900.6169
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.”
Vậy, khi người lao động sinh con, bắt buộc phải đóng đủ bảo hiểm xã hội 6 tháng trong vòng 12 tháng trước khi sinh. Theo đó, khi người lao động sinh non mà chưa có đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định thì sẽ không được hưởng chế độ thai sản.
Trong trường hợp này, sau khi người lao động sinh non, sức khỏe không đảm bảo thì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp có thể xem xét giải quyết cho người lao động hưởng chế độ ốm đau. Và thời gian hưởng chế độ ốm đau sẽ phụ thuộc vào thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động theo Khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
“1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:
a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;
b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.”
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất