Lại Thị Nhật Lệ

Sinh con thứ ba có được hưởng chế độ thai sản không?

Chế độ thai sản là chế độ đối với người lao động nữ sinh con và nuôi con nhằm đảm bảo chế độ sống của người lao động khi thu nhập của họ bị giảm sút khi phải nghỉ việc và sinh con. Chế độ thai sản là một trong những chế độ do cơ quan BHXH chi trả cho người lao động tham gia BHXH.

Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều trường hợp bên doanh nghiệp không giải quyết chế độ thai sản dẫn đến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng. Nếu bạn có vướng mắc về các chế độ thai sản đối với lao động nữ, hãy liên hệ với Luật Minh Gia để được hỗ trợ.

Câu hỏi:

Tôi kí hợp đồng với công ty thời hạn 2 năm, làm việc được 7 tháng thì tôi có thai và xin nghỉ 1 tháng không lương do sức khỏe yếu (tôi sinh con thứ ba) sau đó tôi tiếp tục làm việc. Khi tôi nghỉ sinh con thì công ty không giải quyết chế độ thai sản cho tôi với lý do không hoàn thành công việc và sinh con thứ 3. Tôi muốn hỏi luật sư như vậy có đúng với quy định của pháp luật không? Rất mong nhận được sự hỗ trợ từ luật sư. Xin cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn chị đã gửi yêu cầu tư vấn đến Luật Minh Gia, sau khi nghiên cứu trường hợp của bạn chúng tôi đưa ra nội dung yêu cầu tư vấn như sau:

- Thứ nhất, về điều kiện hưởng chế độ thai sản

Về điều kiện hưởng chế độ thai sản được quy định tại Điều 31 Luật BHXH 2014 như sau:

Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản

“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

...”

Vậy trong trường hợp này, chị là lao động nữ sinh con và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời hạn 12 tháng trước khi sinh con thì sẽ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Việc chị sinh con thứ 3 hay thường xuyên không hoàn thành công việc không ảnh hưởng đến việc hưởng các chế độ thai sản do BHXH chi trả. Vì vậy việc bên công ty lấy lý do chị không thường xuyên hoàn thành công việc và sinh con thứ ba để không giải quyết chế độ thai sản của chị là không đúng theo quy định của pháp luật.

- Thứ hai, về trách nhiệm của người sử dụng lao động

Theo quy định tại khoản 2 điều 102  Luật Bảo hiểm xã hội 2014: "Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội".

Như vậy, trách nhiệm giải quyết chế độ thai sản cho người lao động được xác định là trách nhiệm của người sử dụng lao động. Nên chị có thể yêu cầu bên công ty giải quyết chế độ thai sản cho mình, nếu bên công ty vẫn không giải quyết thì chị có thể làm đơn khiếu nại đến Phòng Lao động Thương binh và xã hội nơi công ty có trụ sở hoặc yêu cầu khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu công ty giải quyết chế độ của mình.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169