Sau ly hôn, muốn giành quyền nuôi con phải làm sao?
Câu hỏi yêu cầu tư vấn: Tôi và vợ tôi kết hôn được hơn 6 năm. Thời gian đầu sống hạnh phúc, do cuộc sống tôi hay phải đi làm xa.trước khi lấy nhau vợ tôi làm nhân viên quán karaok.do hay đi làm xa nên tôi không có thời gian gần vợ để chia sẻ. Vợ tôi buồn và vẫn bị ảnh hưởng những thói quen từ khi làm nhân viên quán hát.tôi biết được điều đó nhưng cũng không làm căng thẳng vì vẫn còn yêu vợ và thương con.nhưng thời gian gần đây tôi đi làm về nghe mọi người trong gia đình nói vợ mình có những mối quan hệ không trong sáng. Cô ấy thường gửi con biện cớ lý do rồi đi chơi đến nửa đêm mới về. Lần gần nhất tôi tình cờ biết được vợ mình nhắn tin tình tứ hẹn hò với người khác trên mạng xã hội. Tôi còn phát hiện thấy vợ chụp ảnh tình tứ trên điện thoại để làm kỉ niệm. Trong lúc nóng giận tôi có tát 2 cái để cảnh cáo và dọa sẽ đuổi đi nếu không sửa được tính cách đó. Vậy là cô ấy bỏ đi thật. Vì thương con tôi gọi cô ấy về. Nhưng cô ấy đã không về mà còn ngang nhiên nói sẽ làm đơn ly hôn.lần nào cũng vậy cứ có chuyện là cô ấy là người đề nghị ly hôn,con tôi mới hơn 5 tuổi nên vì thương con tôi nhẫn nhịn cho qua..tôi biết chắc chắn vợ tôi có quan hệ ngoài luồng nhưng không bắt được tận tay.tôi cũng đành phải chịu. Vậy mà cô ta bây giờ muôn ly hôn để được tự do. Vì thương con nên tôi không thể làm việc đó được. Nếu ly hôn tôi có được quyền nuôi con không.con tôi hiện tại ở với tôi và đang đi học tại nơi tôi sinh sống,tôi có ông trông giữ cháu. Vợ tôi quê ở xa bố mẹ đều mất cả.hiện tại cô ấy thuê nhà trọ để ở,mức thu nhập thấp hơn so với tôi.tôi phải làm gì để được nuôi con. Tôi xin cảm ơn!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn như sau:
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Về nguyên tắc, việc nuôi con khi ly hôn trước hết do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết, con dưới 36 tháng tuổi sẽ giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi mọi mặt cho con, Tòa án sẽ xem xét các yêu tố sau đây để đưa ra quyết định sẽ giao con cho ai nuôi dưỡng:
- Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… mà mỗi bên có thể dành cho con, các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;
- Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn… của cha mẹ.
Vợ chồng bạn có 1 con chung 5 tuổi nên quyền ưu tiến đối với người mẹ không còn nữa. Thêm vào đó, như bạn trình bày thì bạn là người có công việc, thu nhập ổn định trong khi vợ bạn có thu nhập thấp hơn, nhà thuê, có những hành vi trái đạo đức,.. nên đây là lợi thế của bạn khi giành quyền nuôi con với vợ. Do đó, nếu bạn muốn giành quyền nuôi con thì bạn phải chứng minh được rằng con ở với bạn sẽ có điều kiện tốt hơn ở với mẹ và bạn có khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc con, bảo đảm cho con được các điều kiện về vật chất cũng như tinh thần.
Trên đây là nội dung tư vấn về: Sau ly hôn, muốn giành quyền nuôi con phải làm sao? Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất