Nguyễn Nhàn

Sàn thương mại điện tử là gì? Thủ tục mở sàn TMĐT thế nào?

Nền kinh tế nước ta ngày càng phát triển, mở cửa hội nhập với nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra thêm nhiều hình thức kinh doanh thương mại mới hơn, sôi động hơn, góp phần đem đến nhiều cơ hội thúc đẩy kinh tế nhưng cũng phát sinh nhiều thách thức cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Theo đó, sự ra đời của các sàn thương mại điện tử là điều tất yếu của quy luật phát triển kinh tế, đem đến cho con người những trải nghiệm tiện ích, thuận lợi khi giao dịch trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ các căn cứ pháp lý để mở và sử dụng sàn thương mại điện tử để giao dịch. Vì vậy, quý khách hàng có thể tìm hiểu một số vấn đề cơ bản về sàn giao dịch thương mại điện tử thông qua bài viết sau đây của Công ty Luật Minh Gia:

1. Sàn thương mại điện tử là gì?

Dưới góc độ pháp lý, Khoản 9 Điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 08/2018/NĐ-CP quy định về sàn giao dịch thương mại điện tử như sau:

Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.

Sàn giao dịch thương mại điện tử trong Nghị định này không bao gồm các website giao dịch chứng khoán trực tuyến.

Theo quy định nêu trên có thể hiểu đơn giản sàn giao dịch thương mại điện tử là môi trường mua bán hàng hóa qua mạng internet. Trong đó, người mua và người bán đăng ký tài khoản trên sàn giao dịch thương mại điện tử để người bán trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận người mua và người mua thực hiện mua hàng qua hình thức đặt hàng. Thông thường, khi phát sinh giao dịch trên sàn thương mại điện tử, đem lại lợi nhuận cho bên bán thì bên bán phải trích phần trăm lợi nhuận đó cho sàn thương mại điện tử như một hình thức trả phí sử dụng sàn giao dịch thương mại điện tử.

Hiện nay, các sàn giao dịch thương mại điện tử thịnh hành nhất có thể kể đến Shopee, Lazada, Tiki, Sendo,… được rất nhiều người tin dùng vì giao diện ứng dụng dễ dùng, tiện lợi, các mặt hàng mua bán đa dạng, giá cả phải chăng.

Như vậy, có thể thấy các giao dịch trên sàn thương mại điện tử đem đến cho con người rất nhiều tiện ích như: Bên bán không phải tốn thêm chi phí thuê cửa hàng truyền thống, có thể áp dụng đồng thời hình thức thuê cửa hàng truyền thống và hình thức giao dịch trên sàn thương mại điện tử để đem lại doanh thu cao hơn. Mặt khác, sàn giao dịch thương mại điện tử cũng đáp ứng được nhu cầu nhanh chóng và đặt ra tính cạnh tranh cao cho các mặt hàng bày bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Điều này góp phần đem đến cho người mua những trải nghiệm dịch vụ chất lượng hơn. Bên cạnh đó, sự phát triển của các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng kéo theo nhiều hình thức vận chuyển hàng hóa ngày càng phát triển hơn, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người lao động phổ thông. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà sàn giao dịch thương mại điện tử mang lại, cũng phải kể đến những thách thức phát sinh khi hoạt động kinh doanh, thương mại trên sàn không yêu cầu bên bán phải đăng ký kinh doanh hay xuất trình các giấy tờ pháp lý nên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ gặp khó khăn trong vấn đề kiểm soát các mặt hàng kinh doanh và các vấn đề pháp lý khác liên quan đến thuế. Ngoài ra, một số tình trạng như lừa đảo, bán mặt hàng không đúng với mô tả hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử vẫn diễn ra phổ biến hằng ngày mà chưa có giải pháp kiểm soát tình trạng này để bảo vệ người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi mỗi người tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử phải nâng cao cảnh giác, thận trọng hơn trong các giao dịch mua và bán.

2. Thủ tục mở sàn giao dịch thương mại điện tử

Để mở sàn giao dịch thương mại điện tử, thương nhân, tổ chức phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 54 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 08/2018/NĐ-CP như sau:

Thứ nhất, là thương nhân, tổ chức được thành lập theo quy định pháp luật.

Thứ hai, có đề án cung cấp dịch vụ trong đó nêu rõ các nội dung sau:

- Mô hình tổ chức hoạt động, bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ cả trong và ngoài môi trường trực tuyến; hoạt động logistics đối với hàng hóa;

- Phân định quyền và trách nhiệm giữa thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với các bên sử dụng dịch vụ.

Thứ ba, đã đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký theo quy định của pháp luật.

Khi đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên, thương nhân, tổ chức thực hiện đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Thông tư số 47/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 04/2016/TT-BTC với các bước cơ bản như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm:

- Đơn đăng ký website theo mẫu;

- Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu;

- Đề án cung cấp dịch vụ;

- Quy chế quản lý hoạt động của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có chứa các nội dung theo quy định của pháp luật;

- Mẫu hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa thuận hợp tác giữa thương nhân, tổ chức sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên website đó;

- Các điều kiện giao dịch chung áp dụng cho hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên website (nếu có).

Bước 2: Quy trình đăng ký:

- Thực hiện tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử tại địa chỉ www.online.gov.vn;

- Khai báo hồ sơ, thương nhân tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử;

- Theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ qua thư điện tử hoặc tài khoản truy cập hệ thống đã được cấp để tiến hành cập nhật và chính sửa thông tin theo yêu cầu;

- Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo yêu cầu bổ sung thông tin, nếu thương nhân, tổ chức không có phản hồi thì hồ sơ đăng ký trên hệ thống sẽ bị chấm dứt và thương nhân, tổ chức phải đăng ký lại từ đầu.

Bước 3: Xác nhận đăng ký:

- Thời gian xác nhận đăng lý là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký bản giấy đầy đủ, hợp lệ.

- Khi xác nhận đăng ký, Bộ Công Thương sẽ gửi cho thương nhân, tổ chức qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký một đoạn mã để gắn lên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, thể hiện thành biểu tượng đăng ký.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Bài viết nổi bật
Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo