Sàn chứng khoán là gì? Thời gian mở cửa, đóng cửa sàn GDCK?
Mục lục bài viết
1. Sàn chứng khoán là gì?
Sàn chứng khoán là một nền tảng giao dịch các loại chứng khoán trên thị trường.
Tại Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 quy định về chứng khoán như sau:
“1. Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:
a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
c) Chứng khoán phái sinh;
d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.”
Theo đó, sàn chứng khoán diễn ra các hoạt động mua, bán và trao đổi, chuyển nhượng các loại chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác.
Đây được xem là một “sân chơi” năng động để người mua, người bán gặp gỡ và thực hiện các giao dịch thông qua việc đấu giá công khai trên sàn giao dịch chứng khoán truyền thống và điện tử. Ngoài ra, sàn chứng khoán còn là trung gian cung cấp một số loại dịch vụ như phát hành, thu hồi chứng khoán, thu nợ - vốn, chi trả cổ tức, lợi tức cho các nhà đầu tư.
2. Vai trò của các sàn chứng khoán
Sàn giao dịch chứng khoán là một thành phần quan trọng tạo ra một thị trường chứng khoán, có tác động lớn đối với phát triển kinh tế. Do đó, sàn chứng khoán có vai trò to lớn đối với các các đối tượng tham gia nói riêng cũng như với nền kinh tế nói chung.
- Đối với nhà đầu tư:
Sàn giao dịch chứng khoán là môi trường lý tưởng để các nhà đầu tư gia tăng tài sản của mình. Các nhà đầu tư dùng số tiền nhàn rỗi của mình thay vì gửi tiết kiệm ngân hàng, mua vàng tích trữ thì giờ đây được sử dụng để đầu tư vào việc mua cổ phần của các doanh nghiệp, công ty. Sàn chứng khoán là một thị trường mở, với đối tượng tham gia đa dạng, ít vốn từ vài triệu đồng hay nhiều vốn như chục triệu, trăm triệu đồng; ít kinh nghiệm hay nhiều kinh nghiệm đều có thể tham gia đầu tư. Do đó, cơ hội đầu tư là dành cho mọi người.
- Đối với các doanh nghiệp, công ty
Sàn chứng khoán là nền tảng để các doanh nghiệp, công ty, đơn vị kêu gọi được nguồn vốn đầu tư lớn từ các nhà đầu tư. Thông qua hoạt động bán cổ phiếu, trái phiếu cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, công ty sẽ huy động được nguồn vốn kinh doanh hiệu quả mà không cần đi vay vốn trả lãi cao ở ngân hàng. Từ đó giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô kinh doanh, nâng cao cơ sở vật chất, đầu tư dây chuyền sản xuất, tăng thị phần và thúc đẩy sự phát triển.
- Đối với nền kinh tế
Sàn chứng khoán có thể được xem là thước đo của nền kinh tế. Có thể nói, nhìn vào sự chuyển động tăng giảm về giá các mã chứng khoán trên sàn giúp dự báo khuynh hướng của nền kinh tế. Bởi lẽ, các mã chứng khoán của công ty, doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng từ sự biến động từ yếu tố thị trường.
3. Các sàn chứng khoán tại Việt Nam
Hiện nay, tại Việt Nam đang có nhiều sàn chứng khoán, trong đó top 3 sàn chứng khoán lớn, có uy tín và độ minh bạch cao nhất là: sàn HOSE (Sàn giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh), sàn HNX (Sàn giao dịch Chứng khoán Hà Nội) và sàn UPCOM. Đây được gọi chung là các sàn chứng khoán tập trung.
- Sàn HOSE
HOSE là tên viết tắt của Hochiminh Stock Exchange. Đây là sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất ở Việt Nam, các công ty lớn đều niêm yết ở sàn này như Tập đoàn Hoa Sen, VinGroup, Vinamilk. Sàn giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh được thành lập từ năm 2000 và do Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh tổ chức và quản lý. Năm 2011, Hose đã xây dựng và nghiên cứu 30 cổ phiếu hàng đầu về giá trị vốn hóa có mức thanh khoản tốt gọi là VN30.
- Sàn HNX
HNX là tên viết tắt của Hanoi Stock Exchange. Sàn HNX là sàn lớn thứ hai nước ta, đứng sau sàn HOSE. Sàn HNX được thành lập vào năm 2009 do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tổ chức và quản lý. Năm 2010, HNX đã chính thức gia nhập thành viên thứ 19 của Liên đoàn các sở giao dịch chứng khoán Châu Á và Châu Đại Dương.
- Sàn Upcom
Sàn Upcom là thị trường công ty đại chúng chưa niêm yết, dành cho những công ty chưa đủ tiêu chuẩn để lên sàn HOSE và HNX. Sàn UPCOM được thành lập cùng năm với sàn HNX, do Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý.
Ngoài ra, ở Việt Nam hiện nay còn có sàn chứng khoán phi tâp trung là sàn OTC. Tại đây, người mua và người bán tìm đến nhau và giao dịch thỏa thuận với nhau.
4. Thời gian mở cửa, đóng cửa sàn giao dịch chứng khoán
Thời gian mở cửa, đóng cửa sàn giao dịch chứng khoán là điều mà các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu để tiến hành giao dịch chứng khoán thuận lợi và hiệu quả.
Thời gian giao dịch chứng khoán diễn ra trong các ngày hành chính từ thứ 2 đến thứ 6 và nghỉ vào các ngày cuối tuần, ngày lễ như: Tết dương lịch, Tết nguyên đán, ngày giỗ tổ Hùng Vương, ngày Giải phóng miền Nam,... Ngoài ra, sàn chứng khoán cũng nghỉ giao dịch khi gặp phải trường hợp hi hữu, khi gặp sự cố hoặc theo quy định khẩn không giao dịch.
Thông thường, thời gian mở cửa và đóng cửa các sàn chứng khoán như sau:
- Giờ mở cửa sàn chứng khoán: từ 9h
- Giờ nghỉ trưa không giao dịch: từ 11h30- 13h
- Giờ đóng cửa sàn chứng khoán: từ 15h
Tuy nhiên, mỗi sàn chứng khoán ở Việt Nam sẽ có những quy định cụ thể về thời gian, trong đó thời gian giao dịch sai lệch giữa các sàn tối đa là 15 phút. Sàn HOSE sẽ giao dịch liên tục từ 9h sáng đến 14h45 chiều. Còn sàn HNX và sàn Upcom sẽ giao dịch từ 9h sáng đến 15h chiều.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất