LS Hồng Nhung

Ra nước ngoài lao động có được rút BHXH, BHTN không?

Trường hợp NLĐ ra nước ngoài xuất khẩu lao động có được rút BHXH một lần không? Nếu đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì giải quyết như thế nào? Sau này về nước có được cộng nối thời gian đóng bảo hiểm không? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Nội dung tư vấn: Xin chào Luật Minh Gia. Mình đóng bảo hiểm, thuế thu nhập cá nhân đầy đủ và liên tục từ  2015 đến nay (công ty đầu 01/2015 -> 09/2017, công ty thứ hai: 09/2017 đến nay).

Nếu tháng 10/2019 mình nghỉ việc sang nước khác làm, thì có được nhận bảo hiểm thất nghiệp hoặc bảo hiểm xã hội không?

Nếu không, khi năm sau mình quay về thì BHTN và BHXH còn không, hay mất luôn, và khi mình làm công ty khác thì bị tính lại từ đầu?

Xin cám ơn đã dành thời gia xem email.

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

 

Căn cứ thông tin bạn cung cấp, để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, bạn cần phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 49, Điều 43 Luật Việc làm 2013 như sau:

 

“Điều 49. Điều kiện hưởng

 

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

 

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

 

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

 

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

 

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

 

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

…”

“Điều 46. Hưởng trợ cấp thất nghiệp

 

1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.

…”

Như vậy, đối chiếu với trường hợp của bạn, nếu sau khi chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) bạn đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì bạn có thể làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP như sau:

 

“Điều 16. Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp

 

1. Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

 

2. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:

 

a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

 

b) Quyết định thôi việc;

 

c) Quyết định sa thải;

 

d) Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

 

đ) Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

3. Sổ bảo hiểm xã hội.

…”

Trong quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng bạn phải trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm để thông báo về việc tìm kiếm việc làm trừ các trường hợp ốm đau, thai sản hoặc sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

 

Trường hợp bạn đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà ra nước ngoài lao động thì bạn buộc phải chấm dứt hưởng trợ cấp theo quy định tại Điều 53 Luật Việc làm 2014:

 

“Điều 53. Tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp

3. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây:

g) Ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

4. Người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 Điều này được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện quy định tại Điều 49 của Luật này.

 

Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.”

 

Trong trường hợp, sau khi nghỉ việc bạn không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của bạn được tự động bảo lưu. Sau này về nước, bạn tiếp tục đi làm và đóng bảo hiểm thất nghiệp thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của bạn được cộng dồn theo Khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm 2013:

 

“Điều 45. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp

 

1. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.”

 

Thứ hai, về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần

 

Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, được hướng dẫn bởi Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 quy định:

 

“Điều 60. Bảo hiểm xã hội một lần

 

1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

 

b) Ra nước ngoài để định cư;

 

c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

 

d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

...”

“Điều 1.

1. Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.

 

Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.”

 

Từ quy định nêu trên đối chiếu với trường hợp của bạn thì việc bạn ra nước ngoài làm việc không được xác định là ra nước ngoài định cư. Do đó, để được hưởng bảo hiểm xã hội một lần bạn phải nghỉ việc và dừng đóng bảo hiểm xã hội đủ một năm trở lên. Trong trường hợp chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội của bạn sẽ được bảo lưu theo quy định tại Điều 61 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

 

“Điều 61. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội

 

Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.”

 

Như vậy, sau khi về nước bạn có thể xem xét yêu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần hoặc tiếp tục tham gia quan hệ lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được cộng nối theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

 

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

 

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

5. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

…”

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo