Trần Tuấn Hùng

Quyền lợi về tài sản và quyền nuôi dưỡng con sau ly hôn?

Nội dung tư vấn : Tôi muốn hỏi trường hợp là con chung dưới 36 tháng tuổi, hai vợ chồng không có tranh chấp về tài sản chung. 1) Vợ chồng tôi không có hộ khẩu ở tp HCM, nhưng có KT3, vậy chúng tôi có thể ra UBND phường làm thủ tục ly hôn hay không? 2) Vợ tôi có nói: nhà ngoại nuôi cháu, nhà nội phải có nghĩa vụ đóng góp kinh tế để nuôi cháu nội, điều này có đúng hay không?

Vì lúc kết hôn, cả hai vợ chồng tôi là tự nguyện, cha mẹ già yếu, đâu có trách nhiệm phải nuôi dưỡng con cái đã trưởng thành, và càng không có trách nhiệm đóng góp kinh phí nuôi cháu nội, vậy trường hợp này vợ tôi đưa ra là sai?

Nhà vợ cũ của tôi cấm nhà nội không được gọi điện thăm hỏi, đến thăm cháu nội vì lý do không đóng góp kinh phí nuôi cháu hàng tháng, điều này có đúng không?

3) Trường hợp người cha công ăn việc làm thất thường, không đảm bảo kinh tế cho bản thân mình, do vậy tiền đóng góp nuôi dưỡng con chung không đều đặn, vậy tôi có phải đóng góp "bù" cho những tháng còn thiếu khi tôi có việc làm hay không? điều đó đúng luật không?

Trường hợp này bên nhà vợ cũ tôi cấm tôi không được đi lại thăm con, gọi điện thoại thì có được coi là trái với quy định pháp luật hay không?

4) Chúng tôi không muốn hòa giải trước khi ly hôn, muốn ra tòa (chính quyền) ly hôn 01 lần thôi, có được không, có được công nhận ngay không?
Tài sản phát sinh trong thời kì làm thủ tục ly hôn giải quyết như thế nào?

Trường hợp vợ hoặc chồng chết thì tài sản của một trong hai bên theo di chúc thuộc về ai; Con chung hay thuộc về vợ, chồng?

5) Trường hợp tôi làm văn bản từ chối phần di chúc tài sản phía bên tôi (bố, mẹ tôi) vậy trường hợp tôi chết thì vợ con tôi có quyền đòi hỏi hay khiếu kiện tài sản mà tôi đã làm văn bản từ chối đó không?

6) Trong trường hợp vợ tôi xuất cảnh ra nước ngoài, ...thì tôi lúc này có được nhận con chung về nuôi dưỡng không?
Vợ tôi có quyền bác bỏ điều này: tôi không đảm bảo kinh tế để nuôi tốt con dẫn đến việc từ chối nhận nuôi con chung của tôi hay không?

Cũng như trường hợp ở trên vì lý do đó vợ tôi muốn cho người khác nuôi dưỡng con chung hay cho làm con nuôi, không hỏi ý kiến đồng ý của tôi thì có được coi là đúng luật hay không?

7) Nếu nhà vợ tôi, vợ cũ tôi có để lại phần thừa kế cho con chung, tôi không muốn nhận phần thừa kế đó, tôi có thể làm văn bản từ chối được không, con chung quá ít tuổi, không thể hỏi ý kiến cháu được?

8) Trong thời kỳ hôn nhân cho mượn tiền anh, chị, em ruột của vợ (chồng), số tiền tuy không được làm rõ là bao nhiêu, thì vợ, chồng có quyền đòi lại số tiền cho mượn, cho vay được không (không có văn bản cho vay, cho mượn).

Tôi nói rõ hơn trường hợp này, nếu tôi cho bên anh, chị em ruột của tôi vay tiền, mượn tiền nhưng không có văn bản vay mượn, vợ tôi có biết nhưng không rõ bao nhiều? Vậy khi ly hôn xảy ra, vợ tôi có quyền khiếu kiện đòi hỏi lấy lại số tiền đó không? (vợ tôi sẽ lấy lý do là đòi tiền cho con chung)

Nếu họ không trả, vợ tôi có quyền khấu trừ số tiền đó (áng chừng khoảng là bao nhiêu) vào số tài sản chung khi phân chia ly hôn hay không?
9) Trường hợp tôi di chúc tài sản cho con chung, tôi có quyền yêu cầu cháu không được quyền nhận tài sản bên mẹ của cháu hay nhận phần thừa kế tài sản của nhà mẹ cháu được không?

10) Trong trường hợp con chung do vợ cũ của tôi nuôi, vợ cũ tôi có quyền thay đổi họ và tên của con chung hay không?
 

Quyền lợi về tài sản và quyền nuôi dưỡng con sau ly hôn?
Quyền nuôi dưỡng?
 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, vợ chồng tôi không có hộ khẩu ở tp HCM, nhưng có KT3, bạn không thể ra UBND phường làm thủ tục ly hôn, căn cứ về thủ tục giải quyết ly hôn:

Căn cứ Điều 53- Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định thụ lý đơn yêu cầu ly hôn như sau:

"1. Tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự".

Bạn có thể giải quyết ly hôn ở Tòa án quận để giải quyết khi không xác định được Tòa án nơi vợ chồng bạn đăng kí thường trú.

Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự quy định tại Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình. Như vậy việc hòa giải tại Tòa án nơi gửi đơn ly hôn là bắt buộc.

Thủ tục hòa giải ly hôn thuận tình:

Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, Tòa án sẽ thụ lý vụ án và thông báo về án phí. Trong thời hạn từ 2 đến 4 tháng kể từ ngày thụ lý, Tòa án sẽ xem xét và tiến hành hòa giải cho các bên. Nếu hòa giải không thành, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày lập biên bản nếu vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng không có sự thay đổi ý kiến cũng như Viện Kiểm sát không có sự phản đối với sự thỏa thuận đó, thì Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn mà không phải mở phiên tòa.

 Để rút ngắn hơn thời gian giải quyết, bạn có thể xin xác nhận của UBND xã/phường xác nhận về việc hòa giải không thành trước khi nộp đơn tại tòa án.

Tài sản phát sinh trong quá trình làm thủ tục ly hôn:

Căn cứ quy định Điều 43-Luật Hôn nhân và gia đình quy định tài sản riêng của vợ, chồng

" 1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này".

Như vậy, khi bản án chưa có hiệu lực ly hôn của vợ chồng bạn thì tài sản đó nếu chứng minh được tài sản riêng thì tài sản đó của vợ hoặc chồng bạn không được coi là tài sản chung.

Ngoài ra, những tài sản mà phát sinh trong thời kì hôn nhân mà 1 trong 2 bên không chứng minh được đó là tài sản riêng thì nó sẽ được xem là tài sản chung của vợ chồng.

Thứ hai, nhà ngoại nuôi cháu, nhà nội phải có nghĩa vụ đóng góp kinh tế để nuôi cháu nội, điều này không đúng theo quy định pháp luật.

Căn cứ Điều 81-Luật Hôn nhân và gia đình quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

" 1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan".

Cha, mẹ có nghĩa chăm sóc cho con, nên trường hợp của bạn thì bên ngoại không có nghĩa vụ nuôi cháu và bên nội cũng không có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cho con bạn, trừ trường hợp khác ( cha và mẹ không còn khả năng chăm sóc đứa trẻ)

Thứ ba, nếu trong trường hợp này có rủi ro, một trong hai người mất đi hay lý do nào khác thì tài sản của một trong hai bên theo di chúc thì sẽ được xử lí như sau:

Điều 66. Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết

" 1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.
 
2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế".

Như vậy thì tài sản chung sẽ được chia đôi, vợ hoặc chồng sẽ là người quản lý tài sản của bên đã chết. Di sản để lại sẽ được chia theo pháp luật thừa về dân sự.

Con chung của 2 vợ chồng khi vợ hoặc chồng chết thì có quyền đương nhiên giành quyền nuôi dưỡng, chăm sóc đứa trẻ.

Thứ tư, phương thức cấp dưỡng sau khi ly hôn

Điều 117. Phương thức cấp dưỡng

Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trường hợp người chồng công ăn việc làm thất thường, không đảm bảo kinh tế cho bản thân mình, do vậy tiền đóng góp nuôi dưỡng con chung không đều đặn Như vậy trường hợp này bạn phải đóng góp "bù" cho những tháng còn thiếu hay không sẽ do sự tự thỏa thuận của 2 bên, nếu không giải quyết được thì có thể khởi kiện ra Tòa về mức cấp dưỡng.

Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Căn cứ khoản 3-Điều 82- Luật hôn nhân và gia đình

"3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó".

Như vậy, trường hợp này bên nhà vợ cũ bạn cấm tôi không được đi lại thăm con, gọi điện thoại thì có được coi là trái với quy định pháp luật, không được phép cấm bạn  thăm nom trong trường hợp bạn chưa trả đầy đủ tiền cấp dưỡng do yếu tố khách quan.
 
Ngoài ra, trong trường hợp vợ tôi lấy chồng nữa, sinh thêm con (không kết hôn) hoặc xuất cảnh ra nước ngoài, hay lý do gì nữa ...thì bạn lúc này có thể được nhận con chung về nuôi dưỡng vì đã vi phạm nghĩa vụ về quyền thăm nom của bạn như trên.

Bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân để giành quyền nuôi dưỡng con.

Thứ năm, trường hợp bạn làm văn bản khước từ (từ chối) phần di chúc tài sản phía bên bạn (bố, mẹ bạn) thì khi bạn chết thì vợ con bạn không có quyền đòi hỏi hay khiếu kiện tài sản mà bạn đã làm văn bản từ chối theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, nếu nhà vợ bạn, vợ cũ bạn có để lại phần thừa kế cho con chung thì bạn không có quyền làm văn bản từ chối phần tài sản mà vợ bạn để lại di sản cho con quy định pháp luật.

Mặc dù là con bạn chưa đủ năng lực hành vi dân sự nhưng di sản là tài sản gắn liền với nhân thân của người được hưởng nên bạn không có quyền từ chối phần di sản được hưởng đó. Người đại diện đương nhiên chỉ có quyền quản lý di sản cho con bạn, không có quyền định đoạt hay từ chối di sản đó.

8) Trong thời kỳ hôn nhân, vợ hoặc chồng có phụ cấp, cho mượn tiền anh, chị, em ruột của vợ (chồng), số tiền tuy không được làm rõ là bao nhiêu, thì vợ, chồng có quyền đòi lại số tiền cho mượn, cho vay được không (không có văn bản cho vay, cho mượn).

Thứ sáu, trong thời kì hôn nhân trường hợp anh, chị em ruột của bạn vay mượn tiền mà không có văn bản, chứng cứ chứng minh hoặc người vay không thừa nhận thì sẽ không có căn cứ để khởi kiện ra Tòa án đòi khoản vay.

Sau khi ly hôn, nếu khoản tiền cho vay đó là tài sản cho vay chứng minh là tài sản riêng thì bạn không có quyền được hưởng khi đòi lại được tiền.
 
Thứ bảy, trong trường hợp muốn thay đổi họ, tên cho con

Căn cứ quy định tại Điều 27-Luật Dân sự 2005 như sau:

1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây:

a) Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
.....

 

Như vậy, trường hợp mà vợ cũ của bạn muốn lấy thay đổi con cho con bạn thì cần có sự đồng ý của bạn thì mới đúng theo quy định pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Quyền lợi về tài sản và quyền nuôi dưỡng con sau ly hôn?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo