Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Quyền lợi và nghĩa vụ của con nuôi và con ruột có khác nhau không?

Luật sư tư vấn giúp về vấn đề nhận nuôi con nuôi, quyền lợi và nghĩa vụ của con nuôi, con đẻ quy định thế nào? Nếu con nuôi hoặc con đẻ bị gây khó khăn trong việc hưởng di sản thừa kế thì phải làm như thế nào? và các vấn đề khác liên quan, cụ thể như sau:

1. Quyền và nghĩa vụ của con nuôi và con đẻ?

Hỏi: Chào luật sư, cho tôi hỏi: ​Vợ chồng tôi đã có hai con, nay muốn nhận một đứa cháu 3 tuổi làm con nuôi vì gia đình cháu khó khăn. Song tôi lại lo lớn lên đứa con nuôi đối xử không tốt với chúng tôi, hoặc tranh giành tài sản với các con ruột của chúng tôi. Xin hỏi giữa con nuôi và con ruột quyền lợi có khác nhau không? Tôi không chia tài sản cho con nuôi có được không? Khi bị ngược đãi tôi có thể chấm dứt việc nuôi con nuôi được không?

TRẢ LỜI: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

- Thứ nhất: Pháp luật có quy định điều kiện của người nhận con nuôi tại Điều 14 Luật nuôi con nuôi  năm 2010 như sau:

“1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.

2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:

a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

c) Đang chấp hành hình phạt tù;

d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này”

Như vậy, nếu vợ chồng bạn đủ các điều kiện nuôi con nuôi thì vợ chồng bạn có thể nhận cháu bé 3 tuổi làm con nuôi và làm thủ tục đăng ký nuôi con nuôi tại cơ quan có thẩm quyền.

- Thứ hai: về vấn đề quyền và nghĩa vụ của con nuôi và con đẻ:

Căn cứ vào Điều 24 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định về Hệ quả của việc nuôi con nuôi như sau: "Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan"

Như vậy kể từ thời điểm vợ chồng bạn đăng ký nhận cháu bé làm con nuôi thì  giữa vợ chồng bạn và cháu bé có các quyền và nghĩa vụ đối với nhau như là giữa cha mẹ ruột và con ruột theo quy định của pháp luật. Con nuôi cũng được hưởng các quyền lợi như con đẻ.

 - Thứ ba: Nếu sau này vợ chồng bạn qua đời không để lại di chúc, theo quy đinh tại Điều 676 Bộ luật dân sự “những người thừa kế thuộc hàng thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.”Như vậy tài sản của vợ chồng bạn để lại thừa kế sẽ được chia đều cho con nuôi và con đẻ mỗi người một phần bằng nhau.

Trường hợp anh chị để lại di chúc nhưng không chia tài sản cho con nuôi, nếu người con nuôi này chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, thì cũng được chia một phần di sản bằng 2/3 suất của người thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, anh chị cũng có thể tặng cho tài sản cho con ruột vào lúc còn sống bằng một hợp đồng tặng cho có cơ quan công chứng chứng nhận.

Theo quy định của pháp luật việc nuôi con nuôi cũng có thể chấm dứt bằng một quyết định của toà án khi cha mẹ nuôi và con nuôi đã thành niên tự nguyện chấm dứt quan hệ; hoặc con nuôi bị kết án về một trong những tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi, ngược đãi cha mẹ nuôi, có hành vi phát tán tài sản của cha mẹ nuôi...Như vậy nếu vợ chồng bạn bị con nuôi ngược đãi thì lấy đó làm căn cứ yêu cầu tòa án chấm dứt việc nuôi con nuôi.

2. Con nuôi có quyền được chia di sản thừa kế?

Luật sư cho em hỏi. Mẹ đẻ em đc ông bà ngoại em nhận làm con nuôi từ khi mới lọt lòng (năm 1974),năm 1976 ông ngoại em mất, bà nuôi mẹ em ăn học đến năm 1993 thì gả chồng.sau khi lấy chồng thì mẹ em vẫn về làm đồng ruộng phụ bà em cho đến năm 2004 thì nhà nước thu hồi ruộng đất. Năm 2006 nhà nước có đền bù cho dân đất giãn dân, bà em được 1 suất đất là 95m2, bà đã bán được 4 tỷ 700 triệu đồng, bà có gửi cho người cháu họ là con của anh trai giữ hộ. Vào ngày 15/6/2017 bà em có mất đột ngột, mẹ em về chịu tang nhưng các cháu họ của bà không cho mẹ em đội khăn xô. họ tung tin đồn là bà đã từ mẹ em nên mẹ em không có quyền chịu tang cũng như thừa kế tài sản do bà để lại. Có nói thêm là bà viết di chúc để lại phần đất hương hỏa tổ tiên cho 3 người cháu họ đồng sở hữu, em muốn hỏi là mẹ em trên danh nghĩa vẫn là con của bà thì phần đất hương hỏa đó nếu bà muốn cho cháu nhà ngoại của bà thì có phải cần chữ ký của mẹ em không và thủ tục từ con nuôi có phải ra tòa án để gải quyết hay không và có cần sự có mặt của mẹ em không? Em xin chân thành cảm ơn !

Tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ Điều 50 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định về Điều khoản chuyển tiếp như sau:

"1. Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;

b) Đến thời điểm Luật này có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống;

c) Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.

2. Sau khi được đăng ký, quan hệ nuôi con nuôi quy định tại khoản 1 điều này có giá trị pháp lý kể từ thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi".

Như vậy, trường hợp của mẹ bạn, muốn được Nhà nước công nhận quan hệ cha mẹ con nuôi thì phải đăng ký nhận nuôi con nuôi trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Luật nuôi con nuôi 2010 có hiệu lực (từ ngày 01/01/2011 đến ngày 01/01/2016).

Tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Người thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”

Như vậy, nếu như không thực hiện đăng ký nhận nuôi con nuôi trong thời hạn 05 năm trên thì quan hệ cha mẹ con nuôi sẽ không được công nhận. Do vậy, mẹ bạn không thuộc hàng thừa kế của ông bà khi ông bà chết không để lại di chúc.

Trường hợp quan hệ nuôi con nuôi được công nhận thì việc bà bạn mất theo lời của các cháu họ của bà là bà đã viết di chúc để lại phần đất hương hỏa tổ tiên cho 3 người cháu đồng chủ sở hữu đồng thời bà bạn đã từ mẹ bạn. Ở đây có 2 trường hợp có thể xảy ra:

Thứ nhất, nếu như thật sự trên thực tế, bà bạn có để lại di chúc thì phần tài sản sẽ được phân chia theo di chúc, theo tâm nguyện của bà bạn, vì đó là tài sản của bà bạn, nếu di chúc truất quyền thừa kế của mẹ bạn, thì mẹ bạn sẽ không được hưởng di sản thừa kế, và nội dung di chúc của bà bạn không cần hỏi ý kiến của mẹ bạn.

Thứ hai, nếu như trên thực tế, bà bạn không hề để lại bản di chúc nào mà chỉ là do các cháu họ của bà bạn bịa đặt, thì mẹ bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án, yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật

Trân trọng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169