LS Trần Liên

Quyền đơn phương ly hôn và đòi bồi thường thiệt hại về danh dự nhân phẩm của người vợ

Năm 2013 em tôi có kết hôn với một Việt Kiều. Năm 2014 đã làm hồ sơ bảo lãnh nhưng em tôi chưa phỏng vấn, thời gian đó vợ chồng không hợp tính nhau, phát hiện chồng đi gái, ăn chơi. Tháng 04 năm 2015 anh ấy đã đơn phương gửi giấy li hôn về tòa án Việt Nam và tòa có gửi giấy về cho em tôi bằng bản tiếng anh, em tôi muốn cứu vãn cuộc hôn nhân này nên chưa muốn ký.

Vấn đề em tôi hỏi ở đây là nếu anh ấy đơn phương li hôn như vậy có được không? em tôi có những thuận lợi và bất lợi gì? có được khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại về danh giá không? Hiện tại em tôi đang rất gặp khó khăn về tài chính, vì thời gian qua anh ấy không có lo cho em tôi, một mình tự bươn chải trong cuộc sống và chịu rất nhiều sự kỳ thị của mọi người. Mong luật sư giúp đỡ và hồi âm sớm nhất! xin cảm ơn.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn chị đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, vì em gái của chị kết hôn với một Việt Kiều nên thủ tục giải quyết ly hôn sẽ tuân theo Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam.

- Thứ nhất, quyền yêu cầu ly hôn đơn phương. Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

Theo quy định trên thì vợ hoặc chồng có quyền đơn phương yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn. Trừ trường hợp người vợ đang có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng thì chồng không được quyền yêu cầu giải quyết ly hôn. Trong trường hợp này, nếu em gái chị không mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương. Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định ly hôn theo yêu cầu một bên như sau:

“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
....”

Theo thông tin chị cung cấp, em gái của  chị không muốn ly hôn, nhưng nếu khi Tòa án tiến hành hòa giải mà người chồng vẫn kiến quyết muôn ly hôn thì tòa án sẽ ra lập biên bản hòa giải không thành. Sau khi Tòa án đã hòa giải nhưng không thành và có các căn cứ sau đây thì Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn:

+ việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình;

+ vợ , chồng có hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lầm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không không đạt được.

Như vậy, nếu như người chồng chứng minh được một trong hai căn cứ trên thì Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn. Nếu người chồng không đưa ra được các căn cứ trên thì Tòa án sẽ không giải quyết cho ly hôn.

- Thứ hai, về nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn. Điều 115 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về  Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn:

“Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.”

Theo quy định trên, nếu em gái của chị đưa ra được căn cứ chứng minh cuộc sông của mình gặp khó khăn và đưa ra được lý do chính đáng thì Tòa án sẽ quyết định yêu cầu người chồng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng dựa theo khả năng tài chính của người chồng.

-Thứ ba, về việc đòi bồi thường về danh dự, nhân phẩm. Bộ luật dân sự quy định: 

“Người nào có lỗi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân và các chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.

Như vậy, nếu người vợ đưa ra được căn cứ chứng minh được thiệt hại là hậu quả khi người chồng có hành vi xâm phạm tới danh dự , nhân phẩm của mình trước Tòa án về việc yêu cầu bồi thường về hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm và chứng minh được người chồng có lỗi thì  tòa sẽ xác định thiệt hại và yêu cầu người chồng phải bồi thường. Về cách xác định thiệt hại, Bộ luật dân sự quy định Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

“1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”

Mục 3 Phần 2 Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự 2005 về Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có quy định về Xác định thiệt hại như sau:

"Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm gồm có thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm; thiệt hại do danh dự, uy tín của tổ chức bị xâm phạm.

3.1. Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại bao gồm: chi phí cần thiết cho việc thu hồi ấn phẩm có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị thiệt hại; chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; tiền tàu, xe đi lại, thuê nhà trọ (nếu có) theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí để yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi phí tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại và các chi phí thực tế, cần thiết khác để hạn chế, khắc phục thiệt hại (nếu có).

3.2. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

a) Nếu trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâmphạm có thu nhập thực tế, nhưng do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm người bị xâm phạm phải thực hiện những công việc để hạn chế, khắc phục thiệt hại, nên khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.

b) Việc xác định thu nhập thực tế của người bị xâm phạm và việc xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị xâm phạm được thực hiện theo hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 mục 1 Phần II này.

3.3. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

a) Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị xâm phạm.

b) Trong mọi trường hợp khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Cần căn cứ vào hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết này để xác định mức độ tổn thất về tinh thần của người bị xâm hại. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào hình thức xâm phạm (bằng lời nói hay đăng trên báo viết hay báo hình….), hành vi xâm phạm, mức độ lan truyền thông tin xúc phạm…

c) Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường”.

Theo các quy định trên, khi có yêu cầu Tòa án giải quyết về việc bồi thường thiệt hại này, Tòa sẽ xác định phần thiệt hại thực tế để yêu cầu phía người chồng sẽ có trách nhiệm bồi thường.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169