Quản lý tài sản trên 30 năm có được xác lập quyền sở hữu?
Ba tôi được ông bà nội giao cho quản lý nhà, đất từ năm 1974. Sau đó, ông bà tôi mất không để lại di chúc. Nếu người quản lý tài sản 30 năm trở lên (không có sự tranh chấp) có được công nhận chủ sở hữu không? Nếu cô chú tôi khởi kiện đề nghị chia thừa kế, Tòa án sẽ giải quyết thế nào? Ba tôi có được quyền ưu tiên mua lại tài sản không?
Quản lý tài sản trên 30 năm có được xác lập quyền sở hữu?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Việc ông bà nội của bạn giao cho bố bạn quyền quản lý nhà đất là căn cứ để bố bạn chiếm hữu nhà đất có căn cứ pháp luật (điểm b khoản 1 Điều 165 Bộ luật dân sự 2015).
Theo quy định tại Điều 221 Bộ luật dân sự năm 2015 về căn cứ xác lập quyền sở hữu thì:
“Quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong trường hợp sau đây:
1. Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
2. Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.
3. Thu hoa lợi, lợi tức.
4. Tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến.
5. Được thừa kế.
6. Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên.
7. Chiếm hữu, được lợi về tài sản theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
8. Trường hợp khác do luật quy định.”
Do đó, văn bản ủy quyền quản lý tài sản không phải là căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với bố bạn.
Vì ông bà bạn mất đi không để lại di chúc nên khối di sản đó sẽ được chia theo pháp luật. Trong trường hợp gia đình bạn có phát sinh tranh chấp về quyền thừa kế thì những người thừa kế có quyền khởi kiện để yêu cầu phân chia di sản thừa kế nếu còn thời hiệu (thời hiệu khởi kiện chia thừa kế là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm ông bà bạn mất).
Theo khoản 2 Điều 616 Bộ luật dân sự năm 2015: “2. Trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.” Nên nếu các cô chú của bạn và những người thừa kế khác không cử người quản lý di sản thừa kế thì bố bạn sẽ tiếp tục là người quản lí di sản thừa kế đó.
Về quyền ưu tiên mua, theo khoản 2 Điều 640 BLDS về Quyền của người quản lý di sản, bố bạn có quyền:
“2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 616 của Bộ luật này có quyền sau đây:
a) Được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;
b) Được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế;
c) Được thanh toán chi phí bảo quản di sản.”
Do vậy bố bạn không có quyền ưu tiên mua lại nhà đất mà có thể chủ động thỏa thuận với những người thừa kế khác về việc mua lại.
Trân trọng!
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất