Phát minh là gì? Đăng ký phát minh thế nào?
Mục lục bài viết
1. Phát minh là gì?
Để hiểu rõ về khái niệm phát minh, Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa: “Phát minh là sự phát hiện một sự vật, một hiện tượng hoặc một quy luật tồn tại khách quan của tự nhiên mà con người chưa từng biết tới. Phát minh làm thay đổi, nâng cao trình độ nhận thức của con người đối với tự nhiên và tạo cơ sở để con người lợi dụng, chế ngự tự nhiên. Phát minh khoa học là yếu tố quyết định đối với tiến bộ khoa học – kỹ thuật. Phát minh thường gắn liền với những nghiên cứu cơ bản trong khoa học lý thuyết và khoa học ứng dụng. Phát minh phản ánh các mối quan hệ hiện thực khách quan cơ bản và những tính chất của các hiện tượng trong thế giới hiện thực.”
Về đặc điểm, có thể thấy phát minh là khái niệm thường dùng trong lĩnh vực khoa học tư nhiên, đã tồn tại khách quan nhưng chưa được biết tới, có khả năng áp dụng để giải thích thế giới, nhưng chưa thể áp dụng trực tiếp vào sản xuất hoặc đời sống mà phải thông qua các giải pháp kỹ thuật, nó không có giá trị thương mại.
Ngoài ra, trong khái niệm này, Từ điển Bách khoa Việt Nam cũng chỉ rõ sự khác nhau giữa phát minh và sáng chế như sau: “Khác với phát minh, sáng chế gắn liền với việc ứng dụng các phát minh hay các quy luật, các nguyên tắc và các phương pháp đã có để giải quyết những vấn đề thực tiễn nhất định. Mỗi phát minh đều có đóng góp quan trọng vào hệ thống các tri thức đã có và là kết quả của quá trình sáng tạo.”
Chính vì sự khác biệt đó và nhu cầu ứng dụng trên thực tiễn, quy định pháp luật hiện hành về những đối tượng quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ chỉ bao gồm sáng chế mà không có phát minh. Theo đó, khoản 12 điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định: “Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.”
2. Đăng ký phát minh thế nào?
Theo quy định pháp luật, phát minh không phải đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, hơn nữa theo Luật sở hữu trí tuệ 2005, phát minh cũng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế, theo quy định tại khoản 1 điều 59:
"Điều 59. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế
Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế:
1. Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;”
Như vậy, đăng ký phát minh không được pháp luật thừa nhận và bảo hộ. Do đó, trong phạm vi bài viết này, Luật Minh Gia xin đưa ra tư vấn các quy định về đăng ký đối với sáng chế. Các cá nhân, tổ chức có sản phẩm, quy trình hay phương pháp đủ điều kiện được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế có thể tham khảo thủ tục đăng ký sau theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ 2005:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
- 02 Tờ khai đăng ký sáng chế, đánh máy theo mẫu số 01-SC Phụ lục A của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN;
- 02 Bản mô tả sáng chế theo quy định tại điểm 23.6 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN;
- 02 Bản tóm tắt sáng chế. Tóm tắt sáng chế không được vượt quá 150 từ và phải được tách thành trang riêng. Bản tóm tắt sáng chế không bắt buộc phải nộp tại thời điểm nộp đơn và người nộp đơn có thể bổ sung sau;
- Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Bước 2: Nộp đơn đăng ký sáng chế
Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục đăng ký sáng chế là Cục Sở hữu trí tuệ. Người nộp đơn sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ có thể gửi về cơ quan đăng ký theo một trong các hình thức sau:
- Hình thức nộp đơn giấy
Người nộp đơn có thể gửi đơn đăng ký sáng chế trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc qua dịch vụ bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng.
Trường hợp nộp hồ sơ đơn đăng ký sáng chế qua bưu điện, người nộp đơn cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện, sau đó photo Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp.
- Hình thức nộp đơn trực tuyến
Đối với hình thức này, người nộp đơn cần có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền SHCN.
Khi đó, trình tự nộp đơn trực tuyến được thực hiện như sau:
- Khai báo và gửi đơn đăng ký sáng chế trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến của Cục sở hữu trí tuệ.
- Nhận Phiếu xác nhận nộp tài liệu trực tuyến.
- Xuất trình Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến và tài liệu kèm theo (nếu có) và nộp phí/lệ phí theo quy định tại một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày gửi đơn trực tuyến.
- Trường hợp tài liệu và phí/lệ phí đầy đủ theo quy định, cán bộ nhận đơn sẽ thực hiện việc cấp số đơn vào Tờ khai trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, nếu không đủ tài liệu và phí/lệ phí theo quy định thì đơn sẽ bị từ chối tiếp nhận.
Bước 3: Xử lý đơn đăng ký sáng chế
Cơ quan có thẩm quyền là Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện việc thẩm định, giải quyết đơn đăng ký sáng chế theo trình tự sau:
- Thẩm định hình thức: thời hạn 01 tháng
- Công bố đơn đăng ký sáng chế: trong tháng thứ mười chín kể từ ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn, nếu đơn không có ngày ưu tiên hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn;
- Thẩm định nội dung: không quá mười tám tháng, kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất