Nhờ tư vấn về việc hạn chế quyền thăm nom con của chồng?
Câu thứ 1: Khi kết hôn cha mẹ tôi có cho 1 miếng đất đứng tên tôi. Sau khi kết hôn (2/2012) tôi bán miếng đất đó, phần lớn gửi tiết kiệm. Đến tháng 10/2015 tôi chuyển lại số tiền bán đất cho cha mẹ tôi. Tôi vẫn giữ hồ sơ mua bán đất hồi tháng 2/2012. Như vậy thì chồng tôi có được phép đòi chia số tài sản này không?
Câu thứ 2: Khi làm đơn chúng tôi thỏa thuận là không có tài sản chung. Vậy khi ra tòa những tài sản hình thành sau hôn nhân (1 chiếc xe hơi và sổ tiết kiệm do chồng tôi đứng tên) thì tôi có được phép đòi quyền lợi không?
Câu thứ 3: Trong đơn tôi và chồng thỏa thuận là con do tôi nuôi và chồng chu cấp. Chồng tôi làm lương tháng 40 triệu, còn tôi 15 triệu. Vậy tôi nên yêu cầu mức chu cấp bao nhiêu là hợp lý. Chồng tôi có nhà (sống với mẹ), còn tôi và con trai phải thuê nhà sống. Tôi muốn hạn chế quyền thăm con của chồng có được không, chỉ cho phép thăm con vào cuối tuần và không được ngủ lại nhà bố.Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Chào chị! Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Đối với yêu cầu hỗ trợ của chị, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, khoản 1 Điều 33, khoản 1 Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của vợ, chồng như sau:
“Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng”.
“Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng”.
Khi kết hôn cha mẹ chị cho chị một miếng đất đứng tên chị, tức là quyền sử dụng với mảnh đất này là của chị được cho riêng. Do đó, căn cứ theo quy định trên thì quyền sử dụng mảnh đất của chị không là tài sản chung của vợ chồng và chồng bạn sẽ không được đòi chia tài sản này khi ly hôn. Nếu chị chứng minh được số tiền đó chị bảo quản và tặng cho lại cho ba mẹ chị thì chồng chị không có quyền yêu cầu phân chia di sản.
Thứ hai, việc xác lập, lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận của anh chị phải được xác lập trước khi kết hôn bằng hình thức văn bản có công chứng, chứng thực. Mà ly hôn thuận tình của hai bên phải có sự thỏa thuận về việc chia tài sản, trông nom, nuôi dưỡng,... nếu không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn (Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình). Do đó, chị sẽ được chia tài sản nêu trên nếu không có căn cứ chứng minh đấy là tài sản riêng của chồng chị theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật này:
“trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.
Thứ ba, đối với mức cấp dưỡng cho con, pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể mức cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn mà tòa án sẽ xem xét trong từng trường hợp cụ thể. Khi quyết định mức tiền phải cấp dưỡng, Tòa án sẽ căn cứ vào mức thu nhập của người cấp dưỡng. Tiền cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn được quy định tại mục 11 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP như sau:
"Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý..."
Chị có thể hạn chế quyền thăm nom con của chồng chị nếu chồng chị lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con bằng cách yêu cầu tòa án hạn chế quyền nuôi con của chồng theo quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
“Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.
Ngoài ra, chị có thể yêu cầu tòa án hạn chế quyền của chồng chị với con theo quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật này:
“Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:
a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
b) Phá tán tài sản của con;
c) Có lối sống đồi trụy;
d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất