Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Nhận con nuôi nhưng không cung cấp thông tin cá nhân có được không?

Luật sư tư vấn trường hợp Nhận con nuôi nhưng không cung cấp thông tin cá nhân có được không? nhận nuôi con nuôi đối với con ngoài giá thú có bắt buộc phải được sự đồng ý của người cha? Người cha có được giành quyền nuôi con khi không có tên trong Giấy khai sinh của con? và các vấn đề khác liên quan, nội dung như sau:

1. Nhận con nuôi nhưng thiếu thông tin cá nhân có được không?

Câu hỏi: Chào văn phòng luật Minh Gia, Tôi năm nay 34 tuổi và vẫn đang độc thân. Em gái tôi đã có gia đình và con cái. Tôi cũng muốn nhận con nuôi của em gái ở cùng nhưng nhiều khi không tránh khỏi mâu thuẫn. Nên tôi muốn xin 01 bé gái làm con nuôi nhưng lại không muốn ghi rõ về thông tin cá nhân đề phòng rắc rối với cháu bé sau này, nếu cần thì tôi sẽ cho cháu biết thân thế của cháu. Vậy tôi muốn Luật sư tư vấn giúp tôi về việc:

-  Tôi có thể xin con nuôi ở đâu thuận tiện, tôi có được giấu thông tin cá nhân không và nếu làm được việc này thì trong trường hợp nào.

-  Nếu xin con trong Bệnh viện thì có hợp pháp không và tên đứa bé ghi Giấy tờ là Con nuôi ạ vì tôi sợ sau này cháu mặc cảm về thân thế là con nuôi.

Tôi xin chân thành cám ơn Luật sư đã giúp đỡ tôi trả lời các câu hỏi trước.

>> Tư vấn thắc mắc quy định về nhận con nuôi, liên hệ: 1900.6169

Trả lời: Về điều kiện đối với người nhận con nuôi được quy định tại Điều 14 Luật nuôi con nuôi năm 2010 như sau:

"1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.

2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:

a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

c) Đang chấp hành hình phạt tù;

d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này".

Như vậy, để nhận nuôi con nuôi thì trước hết bạn phải đáp ứng các điều kiện về nhận con nuôi nêu trên.

Ngoài ra, việc nhận con nuôi đối với các trường hợp biết cha, mẹ đẻ là ai thì cần phải tuân thủ nguyên tắc sau:

Điều 21 Luật nuôi con nuôi:

1. Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.

2. Người đồng ý cho làm con nuôi quy định tại khoản 1 Điều này phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi.

3. Sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

4. Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày.

Việc bạn nhận con nuôi thì phải tuân thủ theo quy định trên, bên cho và bên nhận con nuôi phải có sự thỏa thuận và làm thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp này, để bảo mật các thông tin thì bạn có thể nhận một trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi không xác định được cha, mẹ đẻ để làm con nuôi. Việc khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 16 Nghị định 158/2005/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hộ tịch như sau:

"3. Khi đăng ký khai sinh cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh; nếu không có cơ sở để xác định ngày sinh và nơi sinh, thì ngày phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày sinh; nơi sinh là địa phương nơi lập biên bản; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được để trống. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "trẻ bị bỏ rơi". Trong trường hợp có người nhận trẻ làm con nuôi, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch căn cứ vào Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi để ghi tên cha, mẹ nuôi vào phần ghi về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của con nuôi; trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "cha, mẹ nuôi"; nội dung ghi chú này phải được giữ bí mật, chỉ những người có thẩm quyền mới được tìm hiểu.

4. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi không phải là trẻ sơ sinh, thì việc lập biên bản và thông báo tìm cha, mẹ đẻ của trẻ em cũng được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Khi đăng ký khai sinh, những nội dung liên quan đến khai sinh được ghi theo lời khai của trẻ; nếu trẻ không nhớ được, thì căn cứ vào thể trạng của trẻ để xác định năm sinh, ngày sinh là ngày 01 tháng 01 của năm đó; họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam; những nội dung không xác định được thì để trống. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "trẻ bị bỏ rơi".

Như vậy, nếu bạn nhận con nuôi là trẻ sơ sinh bị bỏ rơi thì sẽ an toàn hơn, khi đó không xác định được cha mẹ cháu bé là ai, việc đăng ký khai sinh cho cháu bé cũng có thể được thực hiện, phần ghi chú của sổ đăng ký khai sinh có ghi "cha, mẹ nuôi" sẽ được giữ bí mật, chỉ những người có thẩm quyền mới được tìm hiểu.

Ngoài ra, trường hợp bạn có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận con nuôi theo quy định trên nhưng chưa tìm được trẻ em để nhận làm con nuôi thì đăng ký nhu cầu nhận nuôi con nuôi với Sở Tư pháp nơi bạn thường trú, nếu có trẻ em phù hợp thì Sở Tư pháp sẽ giới thiệu đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em đó thường trú để xem xét, giải quyết.

>> Thủ tục nhận con nuôi quy định thế nào, gọi: 1900.6169

2. Tư vấn về trường hợp nhận nuôi con nuôi đối với con ngoài giá thú

Nội dung câu hỏi: Em gái em trước đây có làm đám cưới với một người nhưng không đăng ký kết hôn, do là mới cưới về 3 ngày em gái em lại đang mang bầu mà anh ta đã đánh em ấy nên gia đình chưa cho làm kết hôn, nhưng tình trạng vẫn kéo dài đến lúc em ấy sinh con thì nhà chồng xuống nói là không phải dòng giống nhà họ, nên gia đình em đoạn tuyệt luôn, kể từ đó cũng không qua lại, đến bây giờ con em ấy được 2 tuổi thì em ấy có chồng mới, gia đình chồng em ấy rất yêu thương 2 mẹ con và muốn nhận con em ấy làm con cháu mang họ của họ nên 2 vợ chồng em ấy đã làm thủ tục xin nhận con nuôi để đổi họ và ghi tên cha vào giấy khai sinh cho bé (vì giấy khai sinh trước đó làm mẹ đơn thân nên không có tên cha) 2 tháng qua chồng em ấy chạy ngược chạy xuôi làm đủ mọi thủ tục nhưng phía phường nơi em cư trú vẫn không giải quyết vì sợ sau này cha ruột của bé tìm sẽ kiện ra toà đòi con. Vậy cho em hỏi trường hợp của em gái em thì giải quyết được không? Chồng cũ của em gái em có quyền đòi con không khi mà trước đây đã bỏ bê đánh đập em gái em, còn gia đình chồng em ấy thì không nhận cháu đơn giản chỉ vì em bé không có hột nốt ruồi như những đứa cháu khác của bả? Em mong câu trả lời sớm nhất của luật sư. Em xin chân thành cảm ơn 

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, với vấn đề nhận nuôi con nuôi.

Điều 21 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định về sự đồng ý cho làm con nuôi như sau:

“1. Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.

2. Người đồng ý cho làm con nuôi quy định tại khoản 1 điều này phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi.

3. Sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

4. Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày.”

Đối với trường hợp này, vì người chồng không phải là cha đẻ của đứa con nên không có căn cứ làm thủ tục nhận cha, con mà chỉ có thể thực hiện việc nhận nuôi con nuôi. Người chồng có thể nhận con riêng của người vợ làm con nuôi.

Theo quy định này của Luật nuôi con nuôi thì khi nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cả cha đẻ và mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi, trường hợp cha hoặc mẹ chết, mất năng lực hành vi nhân sự hoặc không xác định được thì chỉ cần sự đồng ý của người còn lại.

Nếu tại thời điểm giải quyết thủ tục nhận nuôi con nuôi, giấy khai sinh ghi nhận đứa trẻ là con ngoài giá thú, chỉ có thông tin về người mẹ thì người mẹ có thể đồng ý cho trẻ làm con nuôi mà không cần có sự đồng ý của người cha. Do đó, nếu phía UBND phường không giải quyết với lí do trên là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, gia đình bạn nên làm đơn yêu cầu UBND xã xem xét lại và giải quyết đề nghị của gia đình bạn theo đúng quy định của pháp luật.

Nếu tại thời điểm đang giải quyết hồ sơ thủ tục nhận nuôi con nuôi mà người cha đẻ tranh chấp xác định quan hệ cha, con thì phải chờ sau khi có quyết định/ bản án của TAND xác nhận quan hệ cha con. Khi bản án/ quyết định của TAND tuyên công nhận quan hệ cha con giữa đưa trẻ và cha đẻ của cháu thì thủ tục nhận nuôi con nuôi phải có sự đồng ý của cả người mẹ và người cha đẻ.

Thứ hai, với vấn đề quyền nhận con.

Điều 91 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền nhận con như sau:

“1. Cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trong trường hợp con đã chết.

2. Trong trường hợp người đang có vợ, chồng mà nhận con thì việc nhận con không cần phải có sự đồng ý của người kia.”

Nếu cha của cháu làm thủ tục nhận cha con và có quyết định công nhận quan hệ cha con của cơ quan có thẩm quyền thì chồng cũ của em gái bạn hoàn toàn có quyền tranh chấp về vấn đề nuôi con. Mặt khác, mặc dù em gái bạn và người chồng cũ không đăng ký kết hôn, không được công nhận quan hệ vợ chồng hợp pháp, tuy nhiên quan hệ cha con giữa người chồng cũ và cháu bé vẫn phát sinh do đó người chồng cũ của em bạn có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đối với con tương tự như em gái bạn.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Nhận con nuôi nhưng không cung cấp thông tin cá nhân có được không? Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn hôn nhân gia đình trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo