Nhà nước có được thu hồi đất để xây dựng bưu điện không?
Nhà nước có được thu hồi đất để xây dựng bưu điện không?
Các trường hợp Nhà nước thu hồi đất là gì? Điều kiện để được bồi thường về đất? Làm thế nào để tăng tiền bồi thường về đất? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng qua tình huống sau đây:
1. Luật sư tư vấn Luật Đất đai
Khi Nhà nước thu hồi đất, vấn đề người sử dụng đất quan tâm nhiều nhất đó là vấn đề bồi thường về đất. Do đó, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất và điều kiện để được bồi thường đều được pháp luật quy định cụ thể. Để tìm hiểu về vấn đề này, anh/chị có thể tham khảo Luật Đất đai 2013 và các văn bản pháp luật liên quan hoặc liên hệ với Luật Minh Gia chúng tôi để được tư vấn cụ thể. Ngoài ra anh/chị có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để vận dụng linh hoạt vào trường hợp của mình.
2. Tư vấn Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
Câu hỏi tư vấn: Xin chào Luật Minh Gia! Hiện gia đình tôi có thửa ruộng 03. có 3 mặt tiền 1 là đường to chính 2 là đường ngõ mới thành lập do khu trung tâm thương mại mới mở. thửa ruộng nhà tôi có 288m2 nhưng đất bao thầu nhà tôi trước ông bà trồng trọt là vào 720m2. Hiện Xã muốn thu hồi làm bưu điện xã nhưng chưa có quyết định của tỉnh và thủ tục pháp lý để thu hồi. Do chủ tịch xã chỉ nói là trong diện thu hồi chứ chưa thu hồi. Tôi có đổ đất san lấp nhưng bị xã gọi và thông báo dừng. Hiện tại tôi xin hỏi có thể lách luật theo điều luật nào để tránh thu hồi và nếu bị thu hồi thì điều luật nào có thể giúp gia đình tôi tăng tiền bồi thường khi thu hồi.
Nội dung tư vấn: Chào anh/chị, cảm ơn anh/chị đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của anh/chị, chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất
Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Đất đai 2013 về các trường hợp Nhà nước quyết định thu hồi đất:
“Điều 16. Nhà nước quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất
1. Nhà nước quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
a) Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
b) Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
c) Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
…”
Theo đó, chỉ thuộc một trong ba trường hợp trên thì Nhà nước sẽ thu hồi đất. Trong trường hợp của gia đình anh/chị, Nhà nước muốn thu hồi đất để làm bưu điện xã nên sẽ thuộc điểm a khoản 1 Điều 16 Luật Đất đai 2013 nêu trên. Cụ thể theo điểm b khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai 2013:
“Điều 62. Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
…
3. Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất bao gồm:
…
b) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải;
…”
Khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, gia đình anh/chị sẽ được bồi thường về đất nếu đáp ứng điều kiện sau:
“Điều 75. Điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.
…”
Như vậy, khi Nhà nước thu hồi đất để làm bưu điện xã, nếu gia đình anh/chị đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được bồi thường về đất.
Thứ hai, về thẩm quyền thu hồi đất
Theo quy định tại Điều 66 Luật Đất đai 2013:
“Điều 66. Thẩm quyền thu hồi đất
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
a) Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
b) Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
a) Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;
b) Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
3. Trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất.”
Do vậy, Ủy ban nhân dân cấp xã không có thẩm quyền thu hồi đất. Trong trường hợp của gia đình anh/chị, chủ thể có thẩm quyền thu hồi đất là Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Thứ ba, về chuyển mục đích sử dụng đất
Do thông tin anh/chị cung cấp không thể hiện rõ địa phương anh/chị đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm hay chưa nên trong trường hợp này, để tăng tiền bồi thường về đất, gia đình anh/chị có thể chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa lên đất thổ cư bởi theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật Đất đai 2013:
“Điều 49. Thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
…
2. Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.
…”
Theo đó, trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì gia đình anh/chị được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật, trong đó có quyền chuyển mục đích sử dụng đất.
Tuy nhiên, mảnh đất của gia đình anh/chị là đất trồng lúa nên việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất thổ cư thuộc diện hạn chế. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 134 Luật Đất đai 2013:
“Điều 134. Đất trồng lúa
1. Nhà nước có chính sách bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Trường hợp cần thiết phải chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác thì Nhà nước có biện pháp bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa.
…”
Việc hạn chế này được Nhà nước kiểm soát để xem xét thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Đất đai 2013:
“Điều 44. Thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
…
2. Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp có trách nhiệm thẩm định và gửi Thông báo kết quả thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại Điều 42 của Luật này; cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có trách nhiệm tiếp thu, giải trình theo nội dung thông báo kết quả thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tổ chức kiểm tra, khảo sát thực địa các khu vực dự kiến chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.
…”
Như vậy, để tăng tiền bồi thường về đất thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất như trên phải đáp ứng khá nhiều điều kiện, đồng thời khi gia đình anh/chị chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất thổ cư thì gia đình anh/chị phải nộp tiền sử dụng đất nên trên thực tế, việc tăng tiền bồi thường về đất là rất khó.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh/chị yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác anh/chị vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất