Hoàng Thị Kim Lý

Người Việt Nam ra nước ngoài định cư, quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Luật sư tư vấn trường hợp hỏi nào thì người Việt Nam ra nước ngoài định cư bị mất quốc tịch Việt Nam. Nếu mất quốc tịch Việt Nam thì có được sở hữu nhà ở tại Việt Nam hay không?


Câu hỏi tư vấn:

1> Tôi muốn hỏi : Tôi qua định cư Nước Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình đã được 13 năm và đã nhập quốc tịch nước Mỹ được 8 năm. Xin hỏi tôi có còn quốc tịch Việt Nam không ? Làm thế nào tôi biết được mình còn quốc tịch VN không?  Trường hợp tôi không còn quốc tịch VN , thì tôi có được mua nhà tại việt nam không.

2> Tôi có thể mua nhà và đứng tên nhà ở Việt Nam không? Do hiện tại Tôi muốn mua Căn nhà riêng lẻ của cá nhân để ở tại TP.HCM , thuận tiện cho việc về thăm quê hương để ở . Điều kiện đề sở hữu căn nhà cần những thủ tục nào và giấy tờ nào để hợp lý để sở hữu căn nhà tại Việt Nam?

3>  Cho tôi hỏi thời hạn sở hữu căn nhà mua tại Việt Nam của người việt nam định cư nước ngoài có giới hạn thời hạn sở hữu nhà không ? hay là được sở hữu vĩnh viễn của ngôi nhà mình mua củng giống như quyền lợi của người việt nam sở hữu nhà.
4> Trường hợp tôi có gia đình : Tôi muốn cả 2 đứng tên : cần những giấy tờ gì OR một mình tôi đứng tên thì cần những giấy tờ gì , do tài sản chung của 2 vợ chồng ( 2 vợ chồng tôi đều là người việt nam định cư tại Nước Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình và cả 2 đều nhập quốc tịch Nước Mỹ)

5> Trường hợp tôi không đứng tên được thì tôi nhờ người chị ruột đã có chồng, hoặc cha ruột đứng tên hộ cho căn nhà của 2 vợ chồng tôi mua , thì tôi cần phải làm những giấy tờ gì và đến cơ quan nào để xác nhận đó là căn nhà của 2 vợ tôi mua và chỉ nhờ đứng tên giùm thôi ?

6> Trường hợp tôi đứng tên căn nhà và tôi muốn ũy quyền lại cho Chị của tôi có quyền ở or cho thuê và nhận tiền thuê căn nhà tôi mua tại VN và không được quyền bán or thế chấp or cho tặng căn nhà đó , khi chưa có sự đồng ý của tôi, và tôi cần chuẩn bị giấy tờ gì và đến cơ quan nào để xác nhận điều này .

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn công ty tư vấn như sau:

Thứ nhất, về vấn đề bạn còn có quốc tich Việt Nam hay không?

Do việc bạn ra nước ngoài định cư đã diễn ra trong một thời gian dài, trong thời gian này đã có sự thay đổi của quy định pháp luật về quốc tịch, từ Luật quốc tịch 1998 đến Luật Quốc tịch 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quốc tịch 2008. Vì vậy, tùy vào từng thời điểm sẽ áp dụng văn bản pháp luật phù hợp.

Theo thông tin bạn đưa ra, bạn ra nước ngoài được 13 năm (tức là ra nước ngoài định cư vào năm 2002), lúc này Luật Quốc tịch 1998 vẫn đang còn hiệu lực, chiếu theo Luật Quốc tịch 1998 thì bạn vẫn có quốc tịch Việt Nam.

Tuy nhiên từ thời điểm 01-07-2009 Luật Quốc tịch 2008 có hiệu lực pháp luật nên từ thời điểm này sẽ áp dụng quy định của luật này. Cụ thể:
Theo Điều 13 Luật Quốc tịch 2008 có quy định:

Điều 13. Người có quốc tịch Việt Nam

1. Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày Luật này có hiệu lực và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam.

Tại điều 26 Luật Quốc tịch 2008 cũng có quy định về các căn cứ mất quốc tịch Việt Nam bao gồm:

1. Được thôi quốc tịch Việt Nam.

2. Bị tước quốc tịch Việt Nam.

3. Không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này.

4. Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 và Điều 35 của Luật này.

5. Theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Căn cứ theo quy định trên, trong thời hạn 5 năm tính từ thời điểm 01-07-2009 mà bạn không bạn không đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam thì theo điều 26 thì bạn sẽ rơi vào trường hợp mất quốc tịch Việt Nam.

Tuy nhiên, từ ngày 26/06/2014 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quốc tịch 2008 có hiệu lực pháp luật. Trong đó, tại Điều 1 theo Điều 1 Luật quốc tịch sửa đổi bổ sung 2014 sửa đổi Điều 3 luật quốc tịch 2008 có quy định:

1. Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày Luật này có hiệu lực và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.

Luật sửa đổi đã bãi bỏ căn cứ việc mất quốc tịch do không đăng kí sau 5 năm kể từ ngày luật 2008 có hiệu lực. Như vậy, áp dụng vào trường hợp của bạn, tính từ 01-07-2009 đến 26/06/2014 là chưa hết 5 năm thì luật sửa đổi đã có hiệu lực. Như vậy, bạn vẫn mang quốc tịch Việt Nam theo Luật Quốc tịch 2008 nên sẽ vẫn mang quốc tịch Việt Nam theo Luật sửa đổi 2014.

Vì vậy, hiện tại bạn là người mang hai quốc tịch Việt Nam và Mỹ.

Thứ hai, về việc sở hữu nhà ở Việt nam, theo phân tích ở trên, bạn hiện tại vẫn mang quốc tịch Việt Nam nên bạn có toàn bộ quyền và nghĩa vụ của một công dân Việt Nam.

Thứ ba, trường hợp bạn hỏi về người nước ngoài có được sở hữu nhà ở Việt Nam.

Luật Nhà ở 2014 quy định về trường hợp người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam.

Điều 159. Đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

b) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức nước ngoài);

c) Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức sau đây:

a) Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

b) Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Điều 160 quy định về điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau:

1. Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm a khoản 1 Điều 159 của Luật này thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư và có nhà ở được xây dựng trong dự án theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

2. Đối với tổ chức nước ngoài quy định tại điểm b khoản 1 Điều 159 của Luật này thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đầu tư) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

3. Đối với cá nhân nước ngoài quy định tại điểm c khoản 1 Điều 159 của Luật này thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật.

4. Chính phủ quy định chi tiết giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Nếu người nước ngoài đáp ứng các điều kiện trên thì sẽ được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam thời hạn 50 năm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 161 Luật nhà ở 2014 và có thể được gia hạn theo quy định của Chính Phủ.

Hai vợ chồng bạn thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam nên khi được cấp giấy chứng nhận cả hai vợ chồng đều được đứng tên.

Trường hợp bạn đứng tên căn nhà và tôi muốn ủy quyền lại cho chị bạn thì bạn làm hợp đồng ủy quyền cho chị bạn, hai bên thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ cụ thể trong hợp đồng. Nếu không muốn ủy quyền bạn có thể làm hợp đồng cho thuê nhà. Trong hợp đồng bạn có thể thỏa thuận các quyền nghĩa vụ giữa các bên. Sau đó bạn mang hợp đồng công chứng, từ thời điểm công chứng, hợp đồng có hiệu lực pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Người Việt Nam ra nước ngoài định cư, quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV: Thùy Dương - Công ty Luật Minh Gia.
 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo