Luật sư Phùng Gái

Nghĩa vụ của cha, mẹ trực tiếp nuôi dưỡng con đối với người không trực tiếp nuôi con?

Câu hỏi tư vấn: Vợ chồng em lấy nhau từ năm 2011 và có một cháu trai sinh năm 2012. Đến tháng 6 năm 2016 vì nhiều thứ cô ấy cảm thấy không muốn ở nữa và bế con đi nộp đơn lên toà, ép em xử xong mới cho gặp con, em cũng vì con khuyên bảo rất nhiều cô ấy không nghe. Vì thương con em không muốn to tiếng đành đồng ý, em còn giữ thể diện cho cô ấy em lên toà xin xử đơn phương một mình.

 

Từ khi xử xong cô ấy không cho em biết con em và cô ta hiện sinh sống ở đâu, còn lúc em nhắn tin bảo gửi tiền cho cháu thì cô ấy mới trả lời, còn muốn gặp cháu thì kiếm cớ không cho gặp, giờ em tìm hiểu thì biết cô ta gửi cháu cho họ hàng và lên Hà nội học tiếng để đi Nhật.

 

Vậy trong trường hợp này em có thể khởi kiện giành lại quyền nuôi con được không? Em xin trân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về nghĩa vụ của cha, mẹ trực tiếp nuôi dưỡng con sau ly hôn. Cụ thể:

 

Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

 

1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

 

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

 

Như vậy, đối chiếu quy định trên với trường hợp của bạn thì sau ly hôn mặc dù bạn không được quyền trực tiếp nuôi dưỡng con nhưng vẫn có quyền thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và vợ bạn có nghĩa vụ thỏa thuận tạo điều kiện thời gian thăm nom này. Tuy nhiên, từ thời điểm có bản án của Tòa đến nay vợ không cho bạn thăm con - có hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc con của bạn nên để đảm bảo quyền lợi của mình thì bạn có quyền làm đơn gửi địa phương nơi vợ cư trú để được giải quyết, buộc chấm dứt hành vi trên.

 

Trường hợp bạn muốn giành lại quyền nuôi con thì có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con sau ly hôn. Tuy nhiên, để xác định bạn có giành được quyền nuôi con thì phải có căn cứ chứng minh vợ bạn không còn đáp ứng đủ điều kiện để tiếp tục trực tiếp nuôi dưỡng con (có thể là việc vợ bạn nhờ người thân chăm con để đi học, ra nước ngoài làm việc...) thì khi đó Tòa án sẽ xem xét để trao quyền trực tiếp nuôi con cho bạn. Cụ thể:

 

Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

...

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

 

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

 

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

 

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

 

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

 

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

 

a) Người thân thích;

 

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

 

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

 

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

 

Trân trọng!

CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo