Muốn để lại đất thừa kế của bố cho mẹ phải làm thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về thủ tục từ chối nhận di sản
Điều 620 Bộ luật dân sự 2015 quy định về từ chối nhận di sản như sau:
“Điều 620. Từ chối nhận di sản
1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.
3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.”
Theo đó, người thừa kế hoàn toàn có quyền nhận di sản hoặc từ chối nhận di sản. Người thừa kế mà có nguyện vọng từ chối nhận di sản thừa kế thực theo thủ tục sau đây:
1.1. Hồ sơ thực hiện thủ tục từ chối nhận di sản
- Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế có cam kết việc từ chối nhận di sản thừa kế không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản (dự thảo).
- Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân (bản sao có chứng thực).
- Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực).
- Di chúc (bản sao có chứng thực) trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng theo pháp luật về thừa kế trong trường hợp thừa kế theo pháp luật.
- Giấy chứng tử của người để lại di sản (bản sao chứng thực).
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng (bản sao có chứng thực) hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản (bản sao có chứng thực).
1.2. Thủ tục từ chối nhận di sản
- Người từ chối nhận di sản tiến hành nộp hồ sơ để chứng thực văn bản từ chối nhận di sản thừa kế ở UBND cấp xã.
- UBND cấp xã sẽ xem xét hồ sơ để chứng thực văn bản từ chối nhận di sản thừa kế của người nộp đạt yêu cầu thì sẽ đóng dấu chứng thực Văn bản đó gửi lại cho người nộp.
2. Thủ tục đăng ký biến động đất đai
2.1 Hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai
Căn cứ Điều 9 Thông tư 24/2014/TT/BTNMT quy định hồ sơ đăng ký biến động đất đai gồm:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (theo mẫu);
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
- Một trong các giấy tờ liên quan đến nội dung biến động
- Chứng minh thư, sổ hộ khẩu, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu có);
2.2 Thủ tục đăng ký biến động đất đai
Theo Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về thủ tục như sau:
– Người sử dụng đất nộp hồ sơ đăng ký biến động đất đai tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện.
– Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện có trách nhiệm tiến hành các công việc cần thiết liên quan đến thay đổi, chỉnh lý hồ sơ đất đai và các khoản thuế, phí để thực hiện biến động cho người đăng ký.
3. Câu hỏi:
Chào Luật sư. Bố tôi đã mất không để lại di chúc và đứng tên riêng 3 mảnh đất, nay chúng tôi muốn chuyển toàn bộ sang cho mẹ đứng tên (tôi và chị tôi đã có chồng, ông bà nội cũng đồng ý). Chúng tôi phải làm như thế nào? Và việc chuyển quyền sử dụng đất cho mẹ tôi có đóng thuế, lệ phí gì hay không? Chân thành cảm ơn Luật sư.
Trả lời tư vấn:
Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp của chị, chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:
Thứ nhất, về việc chuyển quyền sử dụng đất cho mẹ
Theo thông tin chị cung cấp, bố chị mất không để lại di chúc nên phần di sản của bố chị được chia thừa kế theo pháp luật. Đối với 03 mảnh đất bố đứng tên, cần xác định rõ phần tài sản của bố chị trong những tài sản này (có thể là tài sản chung của bố mẹ). Di sản của bố chị để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Cụ thể, Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
…
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Hàng thừa kế thứ nhất của bố chị gồm: ông bà nội, mẹ, chị gái và chị. Vì vậy, nếu như gia đình muốn để lại toàn bộ tài sản để cho mẹ thì ông bà nội, chị gái và chị cần làm thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế của bố chị (có công chứng, chứng thực). Sau đó mẹ chị sẽ thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại UBND cấp xã nơi có đất và thực hiện thủ tục đăng ký biến động thay đổi thông tin về người sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện.
Thứ hai, thuế và lệ phí khi chuyển quyền sử dụng đất cho mẹ
- Thuế thu nhập cá nhân: Khoản 4 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 sửa đổi bổ sung năm 2013, 2015 quy định:
“4. Thu nhập được miễn thuế
4. Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.”.
Do đó, trường hợp mẹ của chị nhận thừa kế được miễn thuế thu nhập cá nhân.
- Lệ phí trước bạ:
Khoản 10 Điều 10 Nghị định 10/2022/NĐ-CP quy định: “10. Nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng giữa: Vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”. Vậy nên, khi mẹ của chị nhận thừa kế được miễn lệ phí trước bạ.
- Các phí, lệ phí khác: phải nộp lệ phí cấp sổ, phí thẩm định hồ sơ, lệ phí đo đạc,… Mức thu theo Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh nơi có đất quy định.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất