Nguyễn Thu Trang

Mở cổng chung cho lối đi riêng?

Luật sư tư vấn về chủ sở hữu lối đi chung có quyền mở cổng chung cho lối đi riêng và quản lý việc đi lại của những người sử dụng phần đất phía bên trong

Nội dung tư vấn: Tôi xin hỏi: Gia đình ông A có hơn 600m2 đất, và bán cho 4 hộ gia đình trong đó có gia đình tôi. Ông A có mở 1 lối đi riêng cho tất cả các hộ đi chung, và lối đi này có chung 1 cái cổng (cổng này chính là cổng nhà Ông A trước khi bán đất cho các hộ). Nhà ông A có rất nhiều phòng cho thuê, bên cạnh nhà tôi còn có 1 mảnh đất trống của nhà ông A, và ông cho người thuê phòng để xe ở đó cả ngày và đêm ở đó. Chính vì vậy, để bảo quản tài sản của người đi thuê đang để trên bãi đất trống sát nhà tôi, ông A đã tạo riêng chìa khóa ban ngày và ban đêm cho cổng chung, chia khóa ban đêm thì chỉ các chủ hộ mới được cầm, còn ban ngày thì có thể giao cho người thuê nhà. Gia đình tôi hiện nay đã chuyển đi ở nơi khác, và cũng cho thuê lại căn nhà này. Tuy nhiên, gia đình ông A không cho chúng tôi giao chìa khóa ban đêm cho người ở trọ vì lý do muốn bảo vệ an ninh. Đồng tình về việc có nhiều tối tượng ra vào ảnh hưởng đến an ninh của cả xóm, tôi thỏa thuận chỉ để 1 chìa khóa, cho 1 người duy nhất đứng tên hợp đồng thuê nhà để họ tự quản lý ra vào nhưng k được ông chấp thuận và cố tình đổi khóa không cho người thuê nhà của tôi ra vào. Tôi lại xin đề xuất, để ông làm 1 cái cửa kéo riêng trên lô đất mà ông đang cho người ở thuê nhà ông để xe máy để bảo quản tài sản của người thuê nhunwg ông cũng không đồng ý. Vậy cho tôi hỏi: Trường hợp này. Cổng mà nhà ông A mở trước khi gia đình tôi chuyển đến thuộc quyền sở hữu của nhà ông A, và ông A được quyền quyết định việc cho ai ra vào, không cho ai ra vào là đúng hay sai? lối đi là lối đi chung, lẽ ra khi bán đất ông phải dỡ bỏ cổng đó để mọi người được tự do đi lại có đúng hay không? Nay nhà tôi cho thuê, thì người thuê nhà cũng coi như là chủ căn nhà, cũng phải được quyền cầm chìa khóa chung của cổng là đúng hay sai? Tôi phải làm gì trong trường hợp này? Cho tôi xin lời khuyên. Tôi xin chân thành cảm ơn!! Mong có câu phản hồi sớm nhất ạ!

 

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, nội dung của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Phần đất là lối đi qua của các hộ gia đình phía bên trong bị vây bọc, được BLDS 2015 quy định như sau:

 

“Điều 248. Nguyên tắc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề

 

Việc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề theo thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

 

1.Bảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác bất động sản hưởng quyền phù hợp với mục đích sử dụng của cả bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền.

 

2. Không được lạm dụng quyền đối với bất động sản chịu hưởng quyền.

 

3. Không được thực hiện hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn.”

 

" Điều 254. Quyền về lối đi qua

 

1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

 

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

 

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

 

3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.”

 

Như vậy, Khi bán đất cho các hộ gia đình khác nhau trên cùng một mảnh đất thì ông A phải dành lối đi cần thiết cho các gia đình phía trong, lối đi này phải hợp lý, ít gây phiền hà cho các bên và bên được hưởng quyền không phải đền bù. Ông A không được thực hiện hành vi gây cản trở hoặc khó khăn cho các chủ sở hữu khác là gia đình bạn và các hộ gia đình khác thực hiện quyền đối với lối đi qua đó. Ngoài ra, khi bạn cho người khác thuê nhà thì người thuê nhà đó cũng sẽ được hưởng các quyền đối với lối đi qua như bản thân các chủ sở hữu động sản được hưởng quyền. Vấn đề này được quy định tại Điều 247 BLDS 2015 như sau:

 

“Điều 247. Hiệu lực của quyền đối với bất động sản liền kề

 

Quyền đối với bất động sản liền kề có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân và được chuyển giao khi bất động sản được chuyển giao, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.”

 

Do đó, việc ông A có hành vi gây khó khăn cho người thuê nhà thực hiện quyền về lối đi qua bằng việc không cho cầm chìa khóa ban đêm hoặc thay đổi ổ khóa, làm cho người thuê nhà của bạn không vào được nhà là không đúng pháp luật. Nên để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể yêu cầu UBND cấp xã giải quyết tranh chấp thông qua thủ tục hòa giải cơ sở. Nếu việc hòa giải không thành thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hương Lan - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo