Mạc Thu Trang

Ly hôn khi cả hai người ở nước ngoài phải làm thế nào?

Luật sư tư vấn về trường hợp: Đơn phương xin ly hôn cần làm gì? Ly hôn khi cả hai người ở nước ngoài có cần về Việt Nam không? Nội dung tư vấn như sau:

Nội dung tư vấn: Em chào luật sư! Em và chồng em mới kết hôn chưa được một năm, nhưng do có nhiều lý do nên em muốn ly hôn. Tuy nhiên hiện tại em đang sống ở Nhật. Còn anh ý đang ở Mỹ. Em và anh ấy đăng ký kết hôn tại việt Nam. Vậy xin luật sư cho em hỏi em muốn ly hôn đơn phương thì phải làm thế nào ạ? Em có cần phải về việt nam không ạ? Rất mong luật sư có thể tư vấn giúp em ạ!!! Em cảm ơn rất nhiều!!! 

Trả lời: Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, vấn đề của chị chúng tôi tư vấn như sau:

Theo Khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân gia định 2014, chị có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn. Tuy nhiên để ly hôn đơn phương thì theo Khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân gia đình 2014 khi chị yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có chị căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Như thông tin chị cung cấp thì hiện tại cả chị và chồng đều đang ở nước ngoài nên đây là ly hôn có yếu tố nước ngoài. Theo Khoản 2 Điều 127 Luật hôn nhân gia đình 2014: “Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam”.

Do chị đang ở bên Nhật còn chồng chị đang ở bên Mĩ, không có nơi thường trú chung nên việc ly hôn sẽ giải quyết theo pháp luật Việt Nam.

Về thẩm quyền của Tòa án các cấp, theo Khoản 3 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015: “Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này”. Vì 2 anh chị đều đang ở nước ngoài nên theo điểm c Khoản 1 Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, việc giải quyết ly hôn sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh.

Theo điểm a Khoản 1 Điều 39 quy định thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau: "a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

Do chị là người đệ đơn ly hôn nên chị là nguyên đơn còn chồng chị là bị đơn, do đó, Tòa án nơi chồng chị cư trú sẽ có thẩm quyền giải quyết đơn ly hôn của chị. Như vậy, để ly hôn đơn phương, đầu tiên chị sẽ phải gửi đơn xin ly hôn đến TAND cấp tỉnh nơi chồng chị cư trú.

Theo Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự:

1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt ; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật”.

Khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, chị phải có mặt tại phiên tòa vì nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa trừ trường hợp chị có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì sẽ được Tòa xét xử vắng mặt. Trong trường hợp chị vắng mặt khi Tòa triệu tập lần thứ nhất, Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, chị phải có mặt trừ trường hợp có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Như vậy, chị có thể làm đơn đề nghị xét xử vắng mặt trong trường hợp chị không thể về Việt Nam giải quyết việc ly hôn. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn