Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Luật sư tư vấn về nghĩa vụ cấp dưỡng khi ly hôn

Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình miễn phí qua Email đối với trường hợp về cấp dưỡng và điều kiện phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn, nội dung hỏi và trả lời tư vấn như sau:

1. Nghĩa vụ cấp dưỡng và điều kiện phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con

Câu hỏi: Tôi xin hỏi con tôi tổng số lương thu nhập là 6.000.000 ( đồng) khi ly hôn người nuôi dưỡng đòi cấp dưỡng 2.000.000( đồng), gia đình tôi chỉ đồng ý cấp dưỡng theo mức lương tối thiểu là 1.150.000( đồng) trên tháng. Xin hỏi mức quy định trợ cấp được tính cụ thể như thế nào? Mong được tư vấn, xin cảm ơn luật sư.

Tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Khi ly hôn cấp dưỡng là nghĩa vụ của người không trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con. Đây là nghĩa vụ của cha, mẹ; do đó, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Do vậy trong trường hợp này người nuôi dưỡng có quyền yêu cầu cấp dưỡng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Tuy nhiên trong trường hợp của gia đình bạn, khi người nuôi dưỡng đòi cấp dưỡng 2.000.000 đồng mà gia đình bạn chỉ đồng ý cấp dưỡng theo mức lương tối thiểu là 1.150.000 đồng trên tháng thì theo quy định tại điểm b, mục 11 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP như sau:

"Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý...".

Khi quyết định mức tiền phải cấp dưỡng, tòa án sẽ căn cứ vào mức thu nhập của người cấp dưỡng, vì vậy mức cấp dưỡng thường không cao hơn mức thu nhập của người cấp dưỡng. Với tổng thu nhập của người cấp dưỡng trong trường hợp này là 6 triệu đồng trong khi người nuôi dưỡng có yêu cầu cấp dưỡng cho con 2 triệu đồng nên rất có thể yêu cầu này được Tòa án chấp nhận vì số tiền đó chỉ bằng 1/3 mức thu nhập hàng tháng của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Tuy nhiên, trong trường hợp mức cấp dưỡng nuôi con tòa án phán quyết vẫn vượt quá khả năng của người cấp dưỡng thì người cấp dưỡng có quyền làm đơn đề nghị tòa án xem xét lại mức cấp dưỡng.

---
2. Nghĩa vụ cấp dưỡng của người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Câu hỏi: Trước đây chồng em đã có 1 người vợ, có với nhau 1 con chung nhưng sau đó xảy ra mâu thuẫn dẫn đến li hôn và con chung đó chồng nhờ bố mẹ chồng nuôi hộ. Rồi chồng quen em và kết hôn với em. Giờ con 5 tháng, em phát hiện chồng ngoại tình. Bồ còn hống hách thách thức nọ kia, tạo sức ép. Chồng thì cắt đứt liên lạc. Trong khi đó con ốm nằm viện gần tuần không 1 lời hỏi han vì bận đưa bồ về nhà ra mắt gia đình. Mà bố mẹ chồng em không ý kiến gì về vấn đề đó. Lại còn giấu em nữa.Em thật không hiểu nổi chồng em não nó để làm gì nữa?  Em chăm lo cho gia đình chồng, vun vén mà còn chê nọ chê kia. Nhà chồng thì tháng nào chồng cũng gửi tiền về nhưng không hiểu ông bà chi tiêu khoản gì mà suốt ngày mua đồ ăn chịu để cuối năm vợ chồng lại lo trả nợ hộ. Vợ bầu bí không lo, làm bao nhiêu tiền giấu giếm gửi hết về cho bố mẹ. Tết nhất, vợ sinh không đưa cho vợ 1 xu. Vợ phải tự lo gánh vác. Giờ em chỉ muốn li hôn với điều kiện chồng gửi em mỗi tháng 3 triệu em nuôi con đến năm 18 tuổi + mua xe cho em đi làm thôi. Chồng tệ bạc thế mẹ con em không níu giữ làm gì cho mệt người. Và em muốn kiện chồng em việc ngoại tình. Chồng chung sống như vợ chồng với người khác và làm người ta có bầu rồi. Bằng chứng là các tin nhắn bồ gửi cho em và em đã xác nhận từ phía người thân nhà chồng là chính xác. Vậy đơn tố cáo em viết như nào? Chồng em sẽ bị xử phạt ra sao ạ? Ngoài ra, gia đình chồng không coi trọng em, em có thể tước quyền công nhận cháu không ạ?

Tư vấn: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, quyền đơn phương ly hôn và nghĩa vụ cấp dưỡng của người không trự tiếp nuôi con

Theo Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

"1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được."

Như vậy, Tòa án sẽ căn cứ vào mức độ tình trạng hôn nhân để giải quyết yêu cầu li hôn của bạn. 

Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được quy định tại Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014:

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.”

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Nếu bạn là người trực tiếp nuôi con sau khi li hôn thì bạn có quyền yêu cầu chồng cấp dưỡng cho con bạn đến khi con bạn đủ 18 tuổi.

Thứ hai, xử lý đối với hành vi sống chung như vợ chồng với người khác

Tại điểm 3.1 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC có hướng dẫn cách hiểu về khái niệm này như sau: “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó”.

Nếu xác định chồng bạn có hành vi sống chung như vợ chồng với người khác thì có thể bị xử lý hành chính theo Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định về vi phạm hành chính về Tư pháp, hôn nhân gia đình quy định về hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; vi phạm quy định về ly hôn như sau:

"1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

..."

Nếu như chồng bạn đã xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi pham thì sẽ bị truy cứ trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng "Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm."

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169