Luật sư tư vấn trường hợp đổi họ cho con theo họ mẹ?
1. Quy định về tThay đổi họ cho con theo họ mẹ?
Nội dung cần tư vấn: Xin chào luật sư. Tôi và bố tôi có quan hệ không tốt , ông thương xuyên say rượu đánh tôi và mẹ tôi , gần đây ông ta say rượu và đã đập vỡ chiếc điện thoại trị giá 4 triệu đồng của tôi vậy tôi có thể đưa đơn kiện ông ta tội cố ý phá hoại tàn sản theo bộ luật hình sự hay không ? Và nếu có thì trình tự khởi kiện như thế nào ?
Điều thứ 2 tôi muốn hỏi là nếu ông ta và mẹ tôi chưa li hôn chính thức thì tôi có thể sử dụng quyền dân sự của mình để thay đổi họ của mình không ( theo họ mẹ ) và quy trình chấm dứt mối quan hệ cha - con với ông ta như thế nào
Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn, câu hỏi của bạn Luật sư Minh Gia trả lời như sau:
Hành vi cố ý phá hoại tài sản người khác:
Bạn không cung cấp cụ thể thông tin về thời gian bố bạn đập chiếc điện thoại của bạn, chúng tôi giả sử hành vi này xảy ra vào thời điểm năm 2018 thì sẽ áp dụng Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 để giải quyết, bạn cần áp dụng pháp luật tại thời điểm xảy ra vụ việc để xem xét hành vi của bố mình. Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội hủy hoại tài sản của người khác:
“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng
đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật….”
Nếu bố bạn say và cố tình đập phá điện thoại của bạn và theo kết luận giám định về giá của chiếc điện thoại là từ 2 triệu đồng trở lên thì hành vi này cấu thành tội phạm và bạn có thể viết đơn hoặc trực tiếp đến cơ quan công an để tố giác về hành vi của bố mình.
Về chấm dứt mối quan hệ cha - con:
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không có quy định về việc giải quyết chấm dứt quan hệ cha, mẹ, con giữa cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ. Do quanhệ giữa cha mẹ với con đẻ hình thành một cách tự nhiên bằng con đường huyết thống. Do đó, sự gắn bó tình cảm và mối liên hệ giữa cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ là quy luật tự nhiên, có tính bền vững bất biến bởi nguồn gốc huyết thống, vì vậy, quan hệ huyết thống tự nhiên không thể chấm dứt theo ý chí chủ quan của con người. Pháp luật cũng không thể định đoạt việc chấm dứt quan hệ huyết thống vì điều đó trái với lẽ tự nhiên.
Quy định về thay đổi họ tên của mình.
Điều 27 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền thay đổi họ:
“1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:
a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại…”
Và Khoản 1 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch:
“1. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó.”
Nếu hiện nay bạn đã đủ 18 tuổi trở lên thì bạn có thể làm thủ tục thay đổi họ từ họ của cha sang họ của mẹ tại Ủy ban nhân dân Huyện nơi đã đăng ký khai sinh hoặc nơi bạn cư trú.
- Hồ sơ yêu cầu thay đổi họ, tên gồm:
+ Tờ khai (theo mẫu quy định);
+ Giấy khai sinh của người cần thay đổi, cải chính hộ tịch (Bản chính);
+ Các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch (giấy khai sinh hoặc các giấy tờ tùy thân khác của người mẹ
- Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Ủy ban nhân dân cấp huyện/quận nơi người cần thay đổi họ, tên đã đăng ký khai sinh trước đây.
- Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nếu việc thay đổi, cải chính hộ tịch có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì Cán bộ tư pháp của Phòng tư pháp ghi vào sổ đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch và quyết định cho phép thay đổi, cải chính hộ tịch và có thể được gia hạn không quá 3 ngày.
2. Đăng ký khai sinh của con theo họ mẹ hay không?
Câu hỏi: Kính gửi các anh chị trong Đoàn luật sư công ty luật Minh Gia,Tôi và chồng tôi đã ly hôn trong thời gian tôi có con. (Trên web của Luatminhgia tôi có thấy trường hợp gần giống tôi) Tuy nhiên, trong trường hợp đó, người vợ cần con lấy họ cha, còn tôi, tôi muốn con tôi mang họ mẹ.
Trả lời tư vấn: Chào anh/chị! Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, thì “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng”. Như vậy, chị đang có thai 5 tháng trong thời kỳ hôn nhân nên khi con chị sinh ra vẫn xác định là con chung của vợ chồng chị.
Trường hợp của chị, mặc dù chị đã ly hôn và chồng cũ của chị không nuôi con nhưng việc này không làm ảnh hưởng đến quyền của người cha đối với đứa con chung. Vì vậy, việc yêu cầu đăng kí khai sinh họ tên cho con theo yêu cầu của một bên là vợ hoặc chồng đều phải được sự đồng ý của bên còn lại. Do đó, nếu chồng cũ chị không đồng ý với việc thay đổi họ cho con thì chị không thể thay đổi họ tên của con chị.
---
3. Thay đổi họ cho con có cần sự đồng ý của người cha hay không?
Câu hỏi: Gửi công ty luật Minh Gia, Tôi là Thu, tôi đã có 1 cháu, trước đây, tôi và chồng không đăng ký kết hôn, nhưng sống chung cùng gia đình chồng với nghĩa vụ như con dâu và vợ. Cháu sinh ra tôi vẫn làm giấy khai sinh cho cháu theo họ chồng. Hiện tại, tôi và anh ấy không chung sống cùng nhau, tôi muốn đổi họ con về họ mẹ. Xin công ty luật Minh Gia có thể tư vấn giúp tôi, nếu không cần sự đồng ý của cha đứa bé, tôi có quyền hay không đổi họ của con mình?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi đã tư vấn như sau:
Điều 27 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định Quyền thay đổi họ
"1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:
a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;"
Điều 7 Nghị định 123/2015/ND-CP quy định về Điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch
"1. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó."
Theo quy định cá nhân có quyền thay đổi từ họ cha sang họ mẹ và ngược lại. Tuy nhiên, nếu con của chị dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của cả cha và mẹ khi làm thay đổi họ. Nếu con đủ 9 tuổi thì phải có sự đồng ý của người đó. Do đó, nếu chị muốn thay đổi họ cho con mà không có sự đồng ý của cha thì chị phải chờ tới khi con đủ 18 tuổi trở lên sẽ tiến hành làm thủ tục.
Trên đây là nội dung tư vấn về: Luật sư tư vấn trường hợp đổi họ cho con theo họ mẹ?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất