Nguyễn Văn Cảnh

Làm sao để thay đổi quyền trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn?

Luật sư tư vấn về vấn đề thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn và các vấn đề tài sản sau khi ly hôn. Nội dung tư vấn như sau:

 

Nội dung câu hỏi: Tôi và vợ đã ly hôn khi ly hôn tôi đã cho vợ con toàn bộ tài sản gồm sổ bìa đất (đất do tôi tự làm và mua bằng tiền riêng trong thời gian 2 vợ chồng chưa ly hôn), nhà và theo quyết định con gái thứ 2 ở với mẹ con gái đầu đã lớn. Vợ tôi đã làm lại sổ bìa đất mang tên cô ấy đến nay cô ấy bị tai nạn giao thông mất đột ngột. Xin hỏi tôi muốn nhận luôi con và làm lại bìa sổ đất thì thủ tục như thế nào xin luật sư chỉ giúp.

 

Thứ hai, vợ tôi có nợ một số tiền thì tôi phải trả nợ như thế nào và vợ tôi có cho vay 1 số tiền trước khi mất mấy ngày vợ có nhờ tôi đòi lại hộ nhưng chỉ đưa giấy tờ vay và địa chỉ còn không ghi giấy ủy quyền chỉ bằng miệng nay vợ tôi đã mất tôi phải làm những thủ tục gì như thế nào xin luật sư chỉ bảo cho. Xin Cám ơn luật sư.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề bạn muốn làm lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nhận lại quyền sử dụng đất.

 

Theo thông tin mà bạn cung cấp, sau khi ly hôn bạn đã để lại toàn bộ tài sản cho vợ, kể cả quyền sử dụng đất. Căn cứ Điều 651 Bộ luật dân sự quy định về thừa kế theo pháp luật quy định:

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”

 

Theo đó, bạn không có quyền hưởng di sản của vợ bạn do không còn là chồng (đã ly hôn). Nếu bạn muốn làm lại để giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nhận lại quyền sử dụng đất thì bạn phải thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với những người thừa kế của vợ cũ bạn và hoàn tất thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng.

 

Nếu trong trường hợp trên, nếu con thứ hai của bạn chưa đủ 18 tuổi thì bạn phải thông qua người giám hộ của con dưới 18 tuổi. Tuy nhiên theo Điều 59 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quản lý tài sản của người được giám hộ quy định:

 

1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.

 

Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

 

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.”

 

Như vậy, để sang tên quyền sử dụng đất thì phải đảm bảo các bước sau:

 

+ Bước 1: Các đồng thừa kế của vợ bạn làm văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có công chứng và sang tên cho người đại diện của các đồng thừa kế;

 

+ Bước 2: Ký kết hợp đồng chuyển nhượng/tặng cho quyền sử dụng đất giữa bạn và người đại diện của người thừa kế theo giấy chứng nhận có kèm chữ ký của tất cả các đồng thừa kế (văn bản có công chứng, chứng thực);

 

+ Bước 3: Hoàn tất hồ sơ đăng ký sang tên tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất: Đơn đăng ký biến động (theo mẫu); hợp đồng chuyển nhượng/tặng cho; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chứng minh thư và sổ hộ khẩu photo chứng thực.

 

Thứ hai, về nhận nuôi con sau khi vợ cũ bạn chết.

 

Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

 

Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng

 

1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

 

2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

 

Điều 72. Nghĩa vụ và quyền giáo dục con

 

1. Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập.

 

Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con.

 

2. Cha mẹ hướng dẫn con chọn nghề; tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của con.

 

3. Cha mẹ có thể đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện việc giáo dục con khi gặp khó khăn không thể tự giải quyết được.

 

Như vậy, đối chiếu quy định trên với trường hợp cụ thể của bạn thì sau ly hôn vợ bạn là người trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, vì vợ cũ đã mất nên quan hệ người trực tiếp nuôi dưỡng của vợ cũ và người con thứ hai đã chấm dứt nên hiện nay bạn sẽ được xác định là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con. Do vậy, trong trường hợp này bạn có thể đón con về để thuận tiện cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng con.

 

Thứ ba, về khoản nợ của vợ cũ bạn và số tiền mà vợ cũ bạn cho người khác vay.

 

Căn cứ Điều 615 Bộ luật dân sự 2015 về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại quy định:

 

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

 

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.”

 

Theo đó, bạn không có nghĩa vụ phải trả khoản nợ mà vợ cũ bạn vay. Vấn đề trả khoản nợ do vợ cũ bạn vay sẽ là nghĩa vụ của những người hưởng di sản của vợ cũ bạn.

 

Về khoản tiền vợ bạn cho vay, nếu vợ bạn đã tiến hành ủy quyền cho bạn thì bạn có quyền tiến hành đòi nợ nhân danh vợ cũ bạn, tuy nhiên trong trường hợp này vợ cũ bạn đã chết nên bạn cũng không còn quyền để đòi nợ. Trong trường hợp trên nếu bạn muốn tiến hành đòi nợ thì bạn phải được sự ủy quyền của những người thừa kế hợp pháp của vợ cũ bạn.Trường hợp không được sự ủy quyền thì về số tiền cho vay thì những người thừa kế của vợ cũ bạn sẽ có quyền để yêu cầu thanh toán.

 

Trân trọng!

Phòng Luật sư tư vấn Dân sự - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn