Không tự nguyện hiến đất làm đường có bị cưỡng chế không?
1. Quy định của pháp luật về vấn đề hiến đất
Pháp luật hiện hành chưa định nghĩa “hiến đất” là gì, song có thể hiểu hiến đất là hành vi của chủ sở hữu quyền sử dụng đất tặng cho quyền sử dụng đất của mình cho cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước để thực hiện chuyển đổi quyền sử dụng đất. Hiến đất là việc làm tự nguyện chứ không phải bắt buộc.
Cụ thể căn cứ khoản 3 Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về vấn đề hiến đất như sau: “3. Trường hợp người sử dụng đất tặng cho quyền sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng thì phải lập văn bản tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định.” Việc hiến đất là trách nhiệm phát sinh đơn phương từ phía người dân, người hiến đất về mặt pháp luật không hề nhận được một khoản tiền, tài sản nào bù đắp tổn thất của việc hiến đất. Do đó Nhà nước không thể cưỡng chế yêu cầu người dân hiến đất.
Hiện nay, có nhiều người nhầm lẫn hai khái niệm hiến đất với việc thu hồi đất mặc dù đây là hai việc làm hoàn toàn trái ngược nhau. Việc hiến đất mang tính tự nguyện còn việc thu hồi đất mang tính bắt buộc.
Điều 16 Luật đất đai 2013 quy định các trường hợp Nhà nước quyết định thu hồi đất, như sau: “1. Nhà nước quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
a) Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
b) Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
c) Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người;”
Thu hồi đất là việc Nhà nước ra quyết định hành chính để thu lại quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất đã giao cho tổ chức, Uỷ ban nhân dân cấp xã theo quy định của Luật đất đai. Việc thu hồi đất là việc làm bắt buộc nếu người bị thu hồi không thực hiện sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Việc làm đường có thể thuộc trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định tại Điều 62 Luật đất đai 2013. Như vậy, trong một số trường hợp khi một chủ thể không tự nguyện hiến đất cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành thu hồi đất.
Căn cứ khoản 2 Điều 71 Luật đất đai 2013 quy định về cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:
“a) Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục;
b) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;
c) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành;
d) Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành.”
Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản.”
Như vậy, việc cưỡng chế thu hồi đất chỉ đặt ra khi có quyết định thu hồi đất. Do đó, việc hiến đất là tự nguyện, tuy nhiên trong một số trường hợp người dân không tự nguyện hiến đất thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể tiến hành thu hồi đất theo quy định của pháp luật, nếu chủ thể có đất bị thu hồi không thực hiện thì sẽ bị cưỡng chế thu hồi đất.
2. Tư vấn về vấn đề tự nguyện hiến đất làm đường
Câu hỏi tư vấn: Chào luật sư ! Gia đình tôi được chính quyền địa phương thông báo về việc triển khai nâng cấp, mở rộng lộ với quy mô như sau: - bề rộng mặt đường 5m, bề rộng nền đường 6m5, lề đường 0.75m mỗi bên Phương thức thực hiện do nhân dân đóng góp hiến đất đai, hoa màu, vật kiến trúc. Hiện tại là lộ đan 2m . Gia đình tôi và các hộ dân có đất bị ảnh hưởng không đồng ý vì không được bồi thường phần đất bị thu hồi (khoảng 2m5 đến 3m mỗi bên), không bồi thường công trình trên đất (hàng rào, cột, cũng như bưởi, dừa trên phần đất bị thu hồi) Vậy cho gia đình tôi hỏi trường hợp như vậy thì sao ạ. Nếu ko đồng ý gia đình tôi có bị cưỡng chế thi hành ko ạ?
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp, chính quyền địa phương thông báo về việc triển khai nâng cấp, mở rộng lộ với quy mô là bề mặt đường 5m, bề rộng nền đường 6m5, lề đường 0.75 m phương thức thực hiện là do nhân dân đóng góp hiến đất đai, hoa màu, vật kiến trúc. Như vậy, việc triển khai nâng cấp, mở rộng lộ được thực hiện theo phương thức tự nguyện đóng góp của nhân dân, cụ thể là người dân tự nguyện hiến đất và sẽ không được nhận bồi thường. Do vậy, gia đình bạn cũng như các hộ dân có quyền không hiến đất để nâng cấp, mở rộng lộ.
Tuy nhiên trong một số trường hợp nếu không hiến đất, thì chính quyền địa phương có thể tiến hành thu hồi đất theo quy định của pháp luật. Cụ thể Điều 16 Luật đất đai 2013 quy định về các trường hợp thu hồi đất như sau: “1. Nhà nước quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
a) Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
b) Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
c) Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
2. Nhà nước quyết định trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.”
Như vậy, chính quyền địa phương có thể thu hồi đất trong các trường hợp nêu trên. Do đó, theo thông tin bạn cung cấp thì khi gia đình bạn không tự nguyện hiến đất để triển khai nâng cấp, mở rộng lộ thì chính quyền địa phương có thể tiến hành thu hồi đất vì việc nâng cấp mở rộng lộ thuộc trường hợp thu hồi đất nhằm mục đích phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo Điều 62 Luật đất đai 2013.
Khi nhà nước thu hồi đất, người sử dụng đất đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật tại Điều 75 Luật đất đai 2013 thì được bồi thường về đất.
Nếu đất của bạn bị thu hồi là đất nông nghiệp thì theo Điều 77 Luật đất đai 2013 quy định bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Bên cạnh đó, khi thu hồi đất nông nghiệp có thể được Nhà nước hỗ trợ các khoản như ổn định đời sống sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi ngề và tìm kiếm việc làm...
Khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất mà gia đình bạn không thực hiện thì có thể bị cưỡng chế thu hồi đất theo Điều 71 Luật đất đai 2013.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất