Trần Diềm Quỳnh

Hướng dẫn thuận tình ly hôn

Chào luật sư! E hiện tại muốn ly hôn chồng. do cuộc sống khong có tiếng nói chung hay dẫn đến cãi vã đánh lộn chửi bới lăng mạ sỉ nhục vợ. Hiện tại e đã bế con bỏ về nam định. chồng e ở hà nội. con e được 18 tháng. chồng e đồng ý ly hôn nhưng bắt e phải là người viết đơn, a ta ký. Nếu e viết đơn thì e là người bị thiệt về những vẫn đề gì? chồng e thì được gì? e biết con dưới 36 tháng sẽ theo mẹ nên anh ta bảo khi con đủ 36 tháng thì sẽ ra tòa đòi quyền nuôi con.

Con e được 7 tháng e có đi làm nhưng vì hoàn cảnh con ốm rồi công việc không phù hợp e đổi liên tục 3 chỗ làm. Hiện tại e chưa xin được việc vì e bỏ về ở nam định. Ly hôn xong e sẽ kiếm việc và khi con đủ 36 tháng e vẫn cố dành quyền nuôi con. nhưng anh ta bảo em hay thay đổi công việc thế sẽ không có điều kiện chăm con. Với lại a ta có nhà đàng hoàng, e về ngoại sẽ không có nhà ổn định như a ta, thì có phải quyền nuôi con của e sẽ không được thuận lợi bằng a ta? đúng không a?  Anh ta thì làm công ty có được đóng bảo hiểm.a ta vôn là người lười nên không thể chăm sóc con cái được. Bây giờ e ở nam định mà viết đơn lý hôn gửi lên tòa án nam định được không? e sẽ về nhà chồng để xin lấy giấy tờ kết hôn với hộ khẩu. nếu chồng e không chịu về tòa án nam định để giải quyết thì sẽ thế nào?mức phí e sẽ phải nộp để giải quyết ly hôn là bao nhiêu? Phần tài sản của vợ chồng e thì không có, có chút thì tự vợ chồng e thỏa thuận.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Về việc viết đơn ly hôn: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 51, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014,  thì vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Vậy việc viết đơn ly hôn ,gửi đơn ly hôn là quyền của vợ, chồng yêu cầu Tòa giải quyết việc ly hôn, đây chỉ là việc thực hiện quyền công dân trong vấn đề hôn nhân, gia đình. Đã là việc thực hiện quyền thì không gây thiệt hại gì cho người thực hiện quyền.

Nơi gửi đơn: theo thông tin bạn cung cấp thì hai vợ chồng bạn đồng ý ly hôn thuộc trường hợp thuận tình ly hôn nên theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 39, Luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì chị có thể gửi hồ sơ xin ly hôn tại Tòa án cấp huyện nơi chị cư trú, làm việc. Như vậy nếu chị đã đăng kí thường trú hoặc tạm trú hoặc có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh Nam Định thì chị có thể gửi hồ sơ đến Tòa án huyện thuộc tỉnh Nam Định để yêu cầu ly hôn.

Sự có mặt của đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan:  nếu chồng chị không có mặt tại Tòa án theo giấy triệu tập lần đầu của Tòa thì theo quy định tại khoản 3 Điều 367, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa quyết định hoãn phiên họp hoặc vẫn tiến hành phiên họp. Trong trường hợp Tòa triệu tập lần hai mà chồng chị vẫn không đến thì Tòa giải quyết việc ly hôn vắng mặt bị đơn. 

Lệ phí giải quyết việc ly hôn: Do việc ly hôn của chị thuộc trường hợp thuận tình ly hôn, hai bên không có tranh chấp về tài sản, con cái nên lệ phí là 200.000 VNĐ.

Đối với quyền nuôi con: khi ly hôn mà con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Sau ly hôn quyền trực tiếp nuôi con có thể thay đổi theo quy định tại Điều 84, Luật Hôn nhân- Gia đình năm 2014

1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ ”

Như vậy, khi có yêu cầu của những người có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, Tòa căn cứ vào điều kiện về tài chính, tư cách đạo đức, thời gian chăm sóc, giáo dục con vv... để quyết định ai là người trực tiếp nuôi con. Do đó để giành quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn, chị có thể đưa ra những bằng chứng chứng minh những điều kiện về tài chính, khả năng chăm sóc, giáo dục con của mình tốt hơn chồng chị đồng thời đời đưa ra những bằng chứng chứng minh chồng chị không có đủ điều kiện để chăm sóc con.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn