Đinh Ngọc Huyền

Hợp đồng hôn nhân là gì? Khi nào sử dụng hợp đồng hôn nhân?

Hiện nay khái niệm“hợp đồng hôn nhân” được nhiều người sử dụng để thỏa thuận về quan hệ hôn nhân bao gồm các vấn đề về kết hôn, ly hôn, chế độ tài sản, quyền, nghĩa vụ của vợ chồng,... Vậy theo quy định của pháp luật Hôn nhân và gia đình hiện hành, hợp đồng hôn nhân là gì? Khi nào thì các bên nam, nữ có thể sử dụng hôn nhân? Luật Minh Gia xin được tư vấn về vấn đề này như sau:

1. Hợp đồng hôn nhân quy định thế nào?

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015. Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn theo Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Như vậy, hợp đồng hôn nhân là một loại hợp đồng đặc biệt mà chủ thể là các đôi nam, nữ trước khi chính thức kết hôn thực hiện để thỏa thuận các vấn đề pháp lý như: phân định tài sản chung, riêng, trước, trong và sau hôn nhân hoặc liên quan đến việc một hoặc hai bên muốn chấm dứt hợp đồng hôn nhân, quyền nuôi con và chia tài sản nếu vợ chồng ly hôn…

2. Khi nào sử dụng hợp đồng hôn nhân

Việc xây dựng hợp đồng hôn nhân không có nghĩa họ kết hôn vì lợi ích vật chất mà họ nhằm mục đích để tránh xảy ra những tranh chấp trong suốt quá trình họ sống cùng nhau hoặc ngay cả khi họ không thể tiếp tục sống cùng nhau và lựa chọn giải pháp ly hôn

Hợp đồng hôn nhân là sự thỏa thuận của vợ và chồng về quan hệ hôn nhân. Chế độ hôn nhân gồm các quy định về kết hôn, ly hôn, quyền nghĩa vụ giữa vợ và chồng, cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng, các vấn đề về thừa kế,… Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào về vấn đề hợp đồng hôn nhân ngoài thỏa thuận về chế độ tài sản trước, trong và sau thời kỳ hôn nhân theo quy định tại Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Thỏa thuận về chế độ tài sản là dạng thỏa thuận có thể lập thành hợp đồng. Trong đó, nội dung của văn bản này là thỏa thuận về tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng; quyền và nghĩa vụ của mỗi người đối với các khối tài sản này; điều kiện, thủ tục phân chia tài sản khi ly hôn. Thỏa thuận này phải lập trước khi kết hôn dưới hình thức là văn bản có công chứng hoặc chứng thực và được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Theo khoản 1 Điều 48 của Luật HNGĐ 2014 thì vấn đề tài sản trong thời kỳ hôn nhân bao gồm:

- Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;

- Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;

- Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;

- Nội dung khác có liên quan.

Khi hai bên ký hợp đồng hôn nhân, các cặp đôi sẽ thỏa thuận để phân định rõ ràng tài sản của mỗi người, tài sản chung- tài sản riêng, bên cạnh đó các thỏa thuận về những khoản nợ cũng như việc xử lý tài sản chung khi xảy ra ly hôn. Qua đó bảo vệ tối đa được lợi ích tài chính cho mỗi bên vợ, chồng.

Như vậy, ngoài hợp đồng hay còn gọi là văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng thì những thỏa thuận khác đều không được pháp luật quy định. Bất cứ loại hợp đồng nào không nhằm mục đích xây dựng gia đình mà chỉ lợi dụng việc kết hôn để thực hiện mục đích khác : xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, mục đích trục lợi, hợp đồng lập ra để kết hôn giả … là trái pháp luật và sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm khắc.

3. Các trường hợp thỏa thuận về tài sản của vợ chồng bị vô hiệu

Trong những trường hợp sau đây, thỏa thuận về tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu:

– Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan;

– Vi phạm nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng;

– Vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

– Vi phạm giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng;

– Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169