Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hỏi về việc công ty cho nghỉ việc khi đang mang thai?

Nội dung đề nghị tư vấn: Chào luật sư Luật Minh Gia, tôi muốn hỏi về trường hợp công ty quyết định cho tôi nghỉ việc khi tôi đang mang thai và vấn đề bảo hiểm liên quan, nội dung như sau:

1. Tôi làm nhân viên chính thức cho S1 từ tháng 06/2013 nhưng đến tháng 12/2013 thì S1 mới đóng bảo hiểm cho tôi với lý do là: tôi không nộp sổ bảo hiểm. Vậy có đúng với quy định hay luật không?

2. Tôi đang mang bầu tháng thứ 7 nhưng công ty quyết định cho tôi nghỉ với lý do tôi vi phạm quy định công ty (tôi không chồng nhưng lại có con dù không có 1 quy định cty quy định). Tôi đã từng thỏa thuận với công ty nếu nghỉ thì có chế độ nào cho tôi hay không thì công ty trả lời là không. Đến nay tôi đã bàn giao được 2 tuần nhưng công ty vẫn chưa đưa cho tôi quyết định nghỉ việc. Vậy tôi phải làm như thế nào?

 

Trả lời: Công ty Luật Minh Gia xin tư vấn cho bạn như sau:
 

1. Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
 

Theo quy định tại Điều 134 Luật bảo hiểm xã hội, các hành vi vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội bao gồm:
 

"1. Không đóng.
 

2. Đóng không đúng thời gian quy định.
 

3. Đóng không đúng mức quy định.
 

4. Đóng không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội".
 

Việc công ty không đóng bảo hiểm cho bạn từ tháng 6/2013 đến 12/2013 là không đúng quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 138 Luật bảo hiểm xã hội thì công ty của bạn có thể phải đóng số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
 

Theo thông tin bạn cung cấp thì có thể hiểu bạn đã từng đóng bảo hiểm ở 1 công ty cũ sau đó chuyển đến làm việc cho công ty hiện tại nhưng chưa nộp sổ bảo hiểm cho công ty mới nên việc đóng bảo hiểm bị chậm so với thời điểm giao kết hợp đồng lao động.
 

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 47 Bộ luật lao động thì khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
 

Tuy nhiên, nếu công ty cũ chưa trả sổ cho bạn thì khi vào làm ở công ty mới bạn cần thông báo số sổ bảo hiểm xã hội đã được cấp để được công ty mới tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội cho bạn. Sau đó, bạn cần nộp sổ vào công ty mới quản lý và lưu giữ theo quy định. Trường hợp bạn đã cung cấp số sổ bảo hiểm rồi mà công ty không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp trong vòng 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng thì theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 28 Nghị định 95/2013 công ty sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

 

2. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 155 Bộ luật lao động thì:
 

"Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động".
 

Như vậy, công ty không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bạn vì lý do bạn không chồng nhưng lại mang thai. Điều 42 luật lao động quy định, trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ:
 

1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
 

2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.
 

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
 

4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
 

5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
 

Như vậy, dựa vào những quy định nêu trên bạn có thể biết được quyền lợi của mình. Trong trường hợp quyền lợi của mình bị xâm phạm thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận/huyện nơi công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết.

 

Trân trọng!

P. Luật sư tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo