Hoàng Tuấn Anh

Hỏi về trường hợp khai hoang đất của thủy lợi để sử dụng

Đất nhà em trước kia là của thủy lợi, do bỏ quá lâu và mọc nhiều cỏ và cây, bãi đất trống thì bị đổ rác. Nhà em khai phá, khai hoang để sử dụng mà chưa có sổ. Hiện nay, chính quyền đến gây sức ép. Cho em hỏi, gia đình em sẽ phải nộp phạt bao nhiêu và có được sử dụng tiếp không?. Quy định pháp luật đối với trường hợp đất khai hoang như nhà em là thế nào ạ? Em xin cảm ơn!.


Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 101 Luật đất đai năm 2013, mặc dù gia đình bạn không có giấy tờ để xác nhận quyền sở hữu đối với mảnh đất nêu trên nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Nếu thoả mãn được điều kiện trên thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bạn.

Trong trường hợp này,  mảnh đất nói trên thuộc sở hữu của gia đình bạn, do vậy cơ quan có thẩm quyềnkhông thể lấy lại đất và cũng không thể xử phạt hành chính gia đình bạn.

Nếu có quyết định thu hồi đất thì chính quyền mới được thu hồi mảnh đất trên đồng thời phải bồi thường đất cho gia đình bạn theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bạn cần chú rằng nếu mảnh đất nói trên đã được công bố kế hoạch sử dụng nhưng gia đình bạn vẫn tiến hành khai khoang thì hành vi này là hành vi lấn chiếm đất. Đây là hành vi trái pháp luật. Do vậy, căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai:

Hành vi lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt; trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão và trong các lĩnh vực chuyên ngành khác

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 139/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão:

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền”.

Đồng thời, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều là 100.000.000 đồng.

Do bạn không cung cấp việc khai hoang mảnh đất trên được sử dụng với mục đích gì nên chúng tôi không thể xác định được cụ thể mức xử phạt hành chính đối với hành vi trên. Vì vậy, bạn tự đối chiếu các trường hợp sau đây, để xác định mức xử phạt cụ thể:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi ngâm tre, luồng, nứa, lá, gỗ; cắm đăng đó; chất chà; trồng rau hoặc tạo các vật cản khác gây cản trở dòng chảy.
 
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với hành vi lấn chiếm đất để làm lều, quán trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

 - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xây dựng lò gạch, lò vôi, chuồng trại để chăn thả gia súc, gia cầm trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

b) Nuôi trồng thủy sản trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

c) Xê dịch trái phép mốc chỉ giới, biển báo của công trình thủy lợi.


- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi xây dựng nhà ở, cầu, kè, bến bốc dỡ hàng hóa, nơi sản xuất, bãi chứa vật liệu trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tự ý dỡ bỏ hoặc lấp công trình thủy lợi.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về trường hợp khai hoang đất của thủy lợi để sử dụng. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV: Nguyễn Thị Hằng – Công ty Luật Minh Gia.
 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Tư vấn nhanh