LS Vũ Thảo

Hỏi về trường hợp cha không nhận con và không nuôi dưỡng con

Luật sư tư vấn về trường hợp cha không nhận con và không nuôi dưỡng.

Tôi và anh A đến với nhau vì vợ anh ấy mang thai 3 lần nhưng đều k thành. Tôi biết A đã có gia đình rồi nhưng vẫn đến với anh ta và có thai ngay từ lần đầu. Trong suốt thời gian đó tôi và anh ta chỉ  liên hệ, qua lại với nhau giờ hành chính.Khi tôi đi sinh con vào ban đêm tôi không nói cho anh ta sợ liên lụy đến gia đình anh ta. Khi tôi sinh cháu xong vào buổi sáng hôm sau tôi mới báo cho anh ta qua điện thoại.Từ khi sinh con ban đầu anh ta cũng ít khi thăm hỏi, chu cấp. Anh ta rất ít khi đến thăm con. Nhưng các chị gái của anh ta có đến thăm cháu đc 2 lần. Khi tôi và anh ta có đứa thứ 2, chúng tôi k giữ lại mà đi bỏ đứa bé. Tôi nhắn tin cho anh ta thì vợ anh ta biết và giữ thẻ ATM nên anh ta không có gì cho con. Suốt 5 năm qua anh ta ít hỏi thăm và chu cấp cho cháu được khoảng 10 triệu/5 năm. Vì tôi có tình cảm với anh ta nên hy vọng rằng tôi không yêu cầu, đòi hỏi gì sẽ khiến anh ta thay đổi và chúng tôi vẫn thỉnh thoảng đến với nhau. Gần đây, tôi nghi mình có bầu và đã nói anh ta là sẽ gặp ông bà nội để hỏi sao ông bà nội cấm không cho cha con anh ta gặp nhau. Anh ta nói không hẳn là gđ cấm, nhưng sự thật là anh ta không dám chấp nhận chúng tôi có chung một đứa con. Bây giờ tôi mới nhận ra anh ta đến với tôi chỉ là lợi dụng tôi mà không có chút tình cảm gì với con tôi. Vì khi tôi sinh con đc hơn nửa năm thì vợ anh ta cũng sinh được 1 thằng con trai. Bây giờ tôi muốn nhờ luật sư tư vấn:

1. Nếu anh ta không chịu đến tòa (nơi anh ta sinh sống) để giải quyết việc anh ta không nhận con thì anh ta có bị xử phạt gì không?

 2. Nếu tôi có bằng chứng là ảnh của anh ta chụp cùng con, mail của anh ta nói chuyện với tôi về mối quan hệ của chúng tôi thì có giá trị không?

3. Một số đồng nghiệp cũ của anh ta đều công nhận con tôi là con của anh ta, khi tôi có thai 5 tháng anh ta cũng xuống nhà tôi và nhận trách nhiệm chăm lo cho mẹ con tôi. Gia đình tôi làm chứng có được không

4. Nếu anh ta không hợp tác để chứng minh mối quan hệ cha con thì tòa án có giải quyết cho tôi không?

5. Nếu anh ta không chấp nhận nghĩa vụ nuôi dưỡng con tôi thì anh ta bị xử lý thế nào (Năm nay con tôi đã được 5 tuổi).

6. Tôi và anh ta bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền vì vi phạm luật hôn nhân gia đình? 

Rất mong luật sư tư vấn giúp tôi qua mail ạ.Trân trọng cảm ơn.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho công ty Luật Minh Gia. Về vấn đề của bạn, chúng tôi xin phép được tư vấn như sau:

Trường hợp của bạn, do hai bạn không đăng ký kết hôn, bạn muốn cha đứa bé cấp dưỡng cho đứa bé thì bạn phải xác định quan hệ cha con của hai người này. Về việc xác nhân quan hệ cha - con, nếu cha đứa bé không chịu nhận con, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người cha đang cư trú, làm việc để yêu cầu xác định cha - con và sau khi đã xác định cha con rồi mà cha của đứa bé không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con thì bạn có thể yêu cầu Tòa án buộc cha đứa bé cấp dưỡng nuôi con:   

Điều 119 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:

a) Người thân thích;

...

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.”

Theo quy định tại Điều 116 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 về mức cấp dưỡng:

“1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.

Do đó, khi có lí do chính đáng vì mức cấp dưỡng theo thỏa thuận không đủ để cấp dưỡng cho con thì chị có thể thỏa thuận trực tiếp với anh ta về việc thay đổi mức cấp dưỡng. Tuy nhiên, việc thay đổi mức cấp dưỡng cũng phải căn cứ vào thu nhập thực tế của anh ta, khả năng kinh tế thực tế của cha đứa bé, nhu cầu thiết yếu của con.

Nếu anh ta không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, có thể làm đơn khởi kiện lên Tòa án nơi anh ta cư trú theo quy định tại khoản 5, điều 28 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 vì đây là trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

“Điều 28. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

...

5. Tranh chấp về cấp dưỡng.

...”

Theo đó, nếu anh ta không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, có nghĩa là anh ta đã vi phạm quy định của pháp luật về cấp dưỡng. Mọi chứng cứ của chị đã cung cấp như: ảnh anh ta chụp cùng con, mail anh ta nói chuyện với chị về mối quan hệ hai người, đồng nghiệp cũ của anh ta đều công nhận con là của anh ta, khi chị có thai anh ta đã xuống chăm lo ở thời điểm thai 5 tháng,…đều có thể làm bằng chứng trước Tòa để buộc anh ta thực hiện nghĩa vụ nêu trên. Tuy nhiên, những chứng cứ đó chưa khẳng định được việc anh ta là cha đẻ của đứa bé, mà cần phải có kết quả giám định AND.

Với việc cố ý không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định tại

Điều 152. Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng BLHS

“Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”

Theo Nghị định 110/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự,phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã và Nghị định 67/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 110/2013/NĐ-CP đều không quy định hành vi không đăng ký kết hôn là vi phạm hành chính. Hơn nữa, anh chị không có quan hệ chung sống mà chỉ qua lại ở một số thời điểm nên sẽ không bị xử phạt hành chính theo quy định của Luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo