Luật sư Trần Khánh Thương

Hướng dẫn thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai

Luật sư giải đáp thắc mắc về thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành cụ thể như sau:Xin hỏi Luật gia: Tôi có mua đất của 01 người và đã đặt cọc số tiền 25.000.000đ, nhưng người bán này chỉ cho tôi đất người khác không đúng diện tích đất thỏa thuận mua bán, UBND xã đã hòa giải và kết luận người này trả lại 25 triệu đồng cho tôi trước ngày 7/6/2015, và người này cũng cam kết trả tiền theo gian trên dưới sự theo dõi đôn đốc của cán bộ tư Pháp xã.

Nhưng đến nay đã quá thời gian, người này không trả tiền, UBND xã cũng gửi thông báo là hòa giải không thành do người này không thực hiện trả tiền theo cam kết và UBND xã đề nghị tôi kiếu kiện lên cấp huyện. Xin Luật sư cho biết trường hợp này tôi phải làm như thế nào, khởi kiện lên cấp nào thì phù hợp, pháp luật hướng dẫn thế nào? Xin cảm ơn luật sư.

1. Hướng dẫn thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai

Trả lời:

Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của anh chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định của pháp luật, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

“1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

....” (Điều 203 LĐĐ 2013)

Theo đó, trường hợp của anh nếu hòa giải ở xã không thành thì anh có thể chọn một trong hai cách giải quyết như sau:

Thứ nhất, anh có thể nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp huyện.

Thứ hai, anh có thể gửi đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân cấp huyện kèm theo đơn là các giấy tờ liên quan như hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giấy giao tiền, biên bản hòa giải tại xã,… để Tòa án thụ lý giải quyết cho anh.

---

2. Giải quyết tranh chấp đất đai thế nào theo pháp luật hiện hành?

Câu hỏi:

Thưa luật sư, nhà con làm vườn có một mảnh đất ven quốc lộ trên đèo,cách đây vài năm ông A đi kê khai giấy tờ, vì tin tưởng là bà con làng xóm nên cả hai nhà kê khai đất cùng nhau ông A đứng tên,lâu nay thì đất ai người đó dùng. Thời gian gần đây có bà B cũng là người chung xóm , bà xin nhà con cho mượn đất trồng bạch đàn, thấy bà là người nghèo khổ nên nhà con đồng ý. Nhưng lòng tốt của gia đình con lại bị đạp đổ , bà ta mưu lợi cùng với ông A cướp đất của nhà con, bà ta và ông A làm giấy cho đất rồi nói đất đó là của mình. Bố mẹ con hiện giờ rất suy sụp , không biết hướng giải quyết như thế nào để lấy lại đất vốn dĩ của mình từ hồi giờ, làng xóm ai cũng biết. Con xin chân thành cảm ơn quý luật sư đã đọc bài của con và chỉ cho con hướng giải quyết ạ.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

Căn cứ dựa trên thông tin cung cấp thì phần diện tích đất đang tranh chấp hiện nay thuộc quyền sử dụng của gia đình bạn đã cho bà B mượn canh tác trồng cây bạch đàn. Theo đó, trong trường hợp gia đình đã có yêu cầu buộc bà B hoàn trả diện tích để gia đình canh tác nhưng không được sự hợp tác, thậm chí bà B còn có ý định chiếm đoạt luôn phần đất trên. Do đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì sẽ áp dụng quy định tại Điều 202, Điều 203 Luật đất đai năm 2013 để giải quyết. Cụ thể:

Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai

1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

...

Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

''Tham khảo phần (1)''

Như vậy, trước hết bạn sẽ gửi yêu cầu giải quyết tranh chấp đến UBND xã, phường nơi có đất để hòa giải giải quyết. Nếu hòa giải không thành tại UBND xã thì gia đình bạn có quyền nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND quận, huyện hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận, huyện nơi có đất. Khi giải quyết tranh chấp bạn cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh về việc gia đình bạn sử dụng hợp pháp trên diện tích đất này ổn định, lâu dài và những căn cứ ghi nhận bạn cho gia đình bà B mượn đất canh tác. Đồng thời bạn cần cung cấp hồ sơ thông tin đất đai thể hiện việc sử dụng đất và việc nhờ ông A đăng ký kê khai đất. Gia đình nên tiến hành đăng ký lại thông tin về quyền sử dụng đất, xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình mình để đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền trên đất.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169