Ly hôn do hành vi bạo lực gia đình thực hiện thế nào?
Mục lục bài viết
Vì không chịu được những lời xúc phạm cay độc của bố chồng em đã van xin chồng đưa em về nhà bố đẻ. Lúc đầu em cũng chỉ muốn đi cho nguôi chuyện rồi về vì em rất nhiều lần xin ra ở riêng nhưng chồng em không đồng ý. Khi em về nhà bố đẻ thì anh mới đồng ý xin bố mẹ sống riêng. Nhưng chồng em nghe lời bố mẹ xúc phạm em, em không thể quay về và tiếp tục sống ở đó được nữa. em muốn hỏi anh chị là việc chửi bới xúc phạm người khác của bố chồng em có phải là bạo lực gia đình không, chồng em cũng vậy? Giờ em muốn ly hôn thì với lý do này tòa án có giải quyết cho em được ly hôn không? Em có phải bồi thường gì không? Nếu gia đình chồng bắt em phải trả tiền nhà họ làm đám cưới (họ đã đòi em như vậy) thì em có phải trả không? Xin luật sư hãy tư vấn giúp em, em xin cảm ơn.
1. Tư vấn ly hôn do hành vi bạo lực gia đình
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn, trường hợp của bạn Luật Minh Gia tư vấn cho bạn như sau:
- Hành vi chửi bới, xúc phạm của bố chồng và chồng chị có phải là bạo lực gia đình không?
Khoản 2 Điều 1 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định:
“Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.”
Khoản 1 Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định về các hành vi bạo lực gia đình:
“1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;….”
Trường hợp bố chồng và chồng bạn có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của bạn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trường hợp hành vi như lăng mạ, chửi bới xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiệm trọng thì có thể bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình theo Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng và phải xin lỗi công khai khi có yêu cầu của nạn nhân. Nếu gây thiệt hại thì bạn có quyền yêu cầu bồi thường. Bạn có thể đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp xử lý thích hợp.
- Về lý do yêu cầu ly hôn
Nếu hai bên đồng thuận ly hôn thì có thể nộp đơn đến Tòa án nơi một trong hai bên đang cư trú để yêu cầu ly hôn nhưng nếu chồng bạn không muốn ly hôn thì bạn phải có căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên:
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
Khi chồng bạn có hành vi bạo lực gia đình thì đây cũng là một căn cứ để Tòa án xem xét giải quyết cho yêu cầu của bạn. Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 không quy định cụ thể thế nào được coi là "tình trạng trầm trọng" để Tòa án quyết định cho ly hôn. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo trên tinh thần của Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao (nay đã hết hiệu lực):
"a.1. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:
- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức nhắc nhở, hòa giải nhiều lần.
- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hòa giải nhiều lần.
- Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình.
a.2. Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1 mục 8 này. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của hai vợ chồng không thể kéo dài được.
a.3. Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển về mọi mặt”
Trong trường hợp của bạn, người chồng có hành vi chửi bới, xúc phạm danh dự nhân phẩm của bạn, hai vợ chồng không còn yêu thương, tôn trọng nhau và thực tế cũng không chung sống với nhau từ 1 năm nay. Do đó, đây cung là một căn cứ để tòa án chấp nhận yêu cầu ly hôn của bạn. Bạn nộp đơn đến Tòa án nhân dân huyện nơi chồng bạn đang cư trú để được giải quyết.
Việc bạn ly hôn đương nhiên không phải bồi thường bất cứ một khoản tiền nào, kể cả tiền tổ chức đám cưới cho bạn. Yêu cầu này là vô lý và không có căn cứ.
2. Tư vấn về vấn đề bạo lực gia đình và quyền nuôi con sau ly hôn
Hỏi:
Kính gửi công ty luật Minh Gia!Tôi là một nạn nhân của nạn bạo lực gia đình. Hiện nay tôi đang là giáo viên có biên chế chính thức tại một trường THCS Tuy nhiên bản thân tôi rất bối rối vì không hiểu luật nên kính mong quý công ty làm ơn tư vấn giúp tôi.Chồng tôi là một người đàn ông bình thường, trước đây làm nghề lái xe nhưng mấy tháng nay do bị tai nạn nhẹ việc đi lại hạn chế nên ở nhà, chúng tôi đã có với nhau hai đứa con chung 1 cháu đang học lớp 1 và 1 cháu đang học mầm non. Chúng tôi đã chung sống được 8 năm. Bình thường anh ta là người yêu vợ thương con, nhưng mỗi khi say rượu anh ta mất kiểm soát lại sinh sự đánh chửi vợ con, đập phá đồ đạc trong nhà, khiến tôi và các con luôn phải sống trong cảm giác lo sợ bất an mỗi khi anh ta đi uống rượu về.
Gần đây anh ta lại say rượu rồi gây sự đánh tôi, đập vỡ một số đồ đạc trong nhà như máy in, máy tính... khi anh ta cầm dao doạ giết tôi tôi có chạy sang nhà hàng xóm thì anh ta lôi bình ga và xe máy ra châm lửa đốt mục đích là để ép tôi ra khỏi chỗ trốn. Rất may là xe máy không bị cháy nhưng bình ga bốc cháy làm mọi người hoảng loạn. Người dân xung quanh có gọi cho công an đến can thiệp, nhưng vì lần đầu anh ta vi phạm bị báo công an nên họ chỉ khuyên răn rồi thả về. Họ nói chỉ xử lý khi tôi có đơn tố cáo gửi lên. Bản thân tôi là người không hiểu luật cho nên tôi muốn hỏi một số vấn đề sau:
1. Nếu tôi nộp đơn khiếu nại lên toà thì chồng tôi sẽ bị xử lý như thế nào?
2. Nếu tôi nộp đơn xin ly hôn và yêu cầu được nuôi hai con thì toà có đồng ý không? Rất mong nhận được thông tin tư vấn chi tiết của quý công ty để tôi có thể lựa chọn biện pháp phù hợp hy vọng có thể thay đổi tính nết của chồng tôi và cải thiện hôn nhân.Tôi xin trân thành cảm ơn!
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia! Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 2, Luật phòng chống bạo lực gia đình thì:
“Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm: (đã được trích dẫn tại phần tư vấn trên)"
Theo như bạn có đề cập thì chồng của bạn sau khi uống rượu thì thường xuyên đánh đập bạn, đập phá đồ đạc trong gia đình thậm chí còn cầm dao dọa giết bạn thì đây được coi là hành vi bạo lực gia đình. Việc đánh đập vợ được thực hiện trong trạng thái hạn chế năng lực hành vi (say rượu) vẫn chịu trách nhiệm pháp luật như bình thường. Một người trước khi uống rượu phải tự ý thức được hậu quả của nó, người say rượu đã tự mình tước đi sự tỉnh táo, năng lực hành vi của mình và vi phạm pháp luật thì vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý, theo đó có thể là trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt hành chính trong một số lĩnh vực trong đó có phòng chống bạo lực gia đình quy định:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này”
Theo đó, chồng bạn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và bị buộc xin lỗi công khai với bạn khi bạn có yêu cầu.
Hơn thế nữa, nếu hành vi của chồng bạn đủ dấu hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì tùy vào tích chất, mức độ vi phạm, hậu quả gây ra chồng chị có thể bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích theo điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015:
“Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…”.
Thứ hai, vấn đề bạn hỏi là bạn muốn nộp đơn ly hôn và yêu cầu tòa giải quyết cho phép được nuôi hai con. Đối với vấn đề này, theo quy định tại Điều 81, Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc chăm sóc, nuôi dưỡng chon sau khi ly hôn như sau:
“ 1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Theo đó, việc ai là người có quyền nuôi con trước hết sẽ được thực hiện theo sự thỏa thuận của các bên. Nếu bạn và chồng bạn thỏa thuận được về việc chị sẽ có quyền nuôi hai đứa con thì bạn có thể nuôi hai cháu. Nếu bạn và chồng không thỏa thuận được với nhau về việc nuôi con thì sẽ yêu cầu Tòa án giải quyết. Tòa án sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế, khả năng chăm sóc con của hai bên để quyết định việc ai sẽ là người có quyền nuôi dưỡng và chăm sóc con. Đối với con dưới 36 tháng tuổi thì sẽ ưu tiên cho người mẹ được chăm sóc nuôi dưỡng cháu bé. Như bạn có đề cập thì hiện tại bạn đang là giáo viên đã có biên chế và thu nhập ổn định, hơn nữa chồng bạn lại là người hay say sỉn, bạo lực nên việc bạn có thể giành được quyền nuôi con là rất cao.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất