Trần Tuấn Hùng

Hỏi đáp về trường hợp đơn phương ly hôn

Xin chào anh/chị! Em muốn được tư vấn về ly hôn đơn phương ạ! em kết hôn năm 2015 với chồng là người Hà Nội. Em và chồng xảy ra mâu thuẫn và bắt đầu ly thân (em bỏ về nhà mẹ ruột chứ không phải ra tòa được xử ly thân) từ ngày 2.9.2015 khi em sinh cháu đầu lòng được 13 ngày cho tới bây giờ. trong quá trình sống ly thân bên nhà chồng và chồng em không có một chút gì hỏi thăm cũng như cấp dưỡng cho con...

... bản thân em cũng có thể tự nuôi được con nhưng em thấy như vậy là không xứng đáng và có nghĩa vụ với con cái mặc dù gia đình chồng có điều kiện và chồng em có thu nhập. từ ngày ly thân chồng em cũng sống buông thả, nên em đã nói chuyện với chồng về vấn đề ly hôn nhưng chồng em không chịu. em biết có thể giải quyết ly hôn đơn phương nên em muốn được tư vấn về:- mẫu đơn ly hôn đơn phương có khác gì với mẫu đơn ly hôn thuận tình không ạ?- con của 2 vợ chồng được gần 2 tuổi. em muốn là người nuôi nhưng trong trường hợp chồng em nhất quyết không chịu cấp dưỡng nuôi con thì em phải làm sao ạ?- 2 vợ chồng cũng không có tài sản chung gì ngoài trừ con đầu lòng nên em thấy cũng không khó khăn để tranh chấp thứ gì- em không nhập khẩu về nhà chồng vậy nên em có thể nộp đơn ly hôn tại nơi em có tên trong hộ khẩu nhà mẹ ruột đúng không ạ?- tòa án giải quyết ly hôn đơn phương trong thời gian bao lâu ạ? và vợ chồng em sẽ được gọi lên tòa bao nhiêu lần? chồng em được gọi nhưng không đến giải quyết thì sau 3 lần gọi thì em được xử ly hôn thành công phải không ạ?   Em xin cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu đến Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Thứ nhất, mẫu đơn li hôn đơn phương khác với mẫu đơn li hôn thuận tình. Bạn có thể tham khảo hai mẫu đơn tại link sau: Mẫu đơn xin ly hôn theo yêu cầu của một bên

Thứ hai, con của 2 vợ chồng được gần 2 tuổi, theo quy định tại khoản 3 điều 80 Luật HN-GĐ hiện hành con được giao trực tiếp cho mẹ nuôi , trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện để nuôi dưỡng con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con: “3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

Mặt khác theo quy định tại điều 107, điều 110 Luật HN-GĐ hiện hành:

“Điều 107. Nghĩa vụ cấp dưỡng

1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.

Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác

2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này”

Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con

Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.

Như vậy, trường hợp mà bạn với chồng bạn ly hôn, nếu con do chị nuôi thì chồng bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con đến khi đủ 18 tuổi.

Thứ ba, theo quy định tại:

 “Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này”.

Trường hợp của bạn là ly hôn đơn phương nên nếu hai bên không thỏa thuận được nơi nộp đơn là nơi bạn có hộ khẩu hiện tại thì bạn phải nộp đơn tại nơi cư trú, làm việc của chồng bạn.

Thứ tư, nếu ly hôn đơn phương, tùy từng vụ việc, có tranh chấp về tài sản, con cái  thì thời gian xử lí sẽ kéo dài trong vòng từ 3 đến 6 tháng.

Thứ năm, Điều 227. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;

b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;

d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;

đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ”.

Theo quy định trên, trong lần triệu tập lần thứ nhất, nếu như chồng chị vắng mặt mà không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì phiên toà sẽ tạm hoãn. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, nếu như chồng chị tiếp tục vắng mặt mà không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt và không có người đại diện tham gia phiên toà thì Toà án tiến hành xét xử vắng mặt anh ấy.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169